Loại vi khuẩn dễ nhiễm khi ăn thịt nguội, sữa chưa tiệt trùng
Thịt nguội, xúc xích, và các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng rất dễ bị nhiễm khuẩn Listeria. Đây là loại vi khuẩn nguy hiểm vì có thể phát triển ngay cả trong môi trường lạnh.

Ăn thịt nguội, thịt hun khói không cẩn thận có thể nhiễm phải vi khuẩn Listeria. Ảnh: Newsweek.
Bệnh Listeriosis là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn Listeria monocytogenes gây ra. Đây là loại vi khuẩn có thể làm nhiễm bẩn nhiều loại thực phẩm như thịt nguội, phô mai mềm, nông sản sống và các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng.
Ăn phải những thực phẩm bị nhiễm khuẩn này có thể dẫn đến bệnh nặng, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Để bảo vệ bản thân và gia đình, điều quan trọng là phải nhận thức được các nguy cơ nhiễm khuẩn Listeria.
Thực phẩm có nguy cơ nhiễm Listeriosis
Theo India Times, Listeriosis là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Listeria monocytogenes gây ra. Nó có thể làm ô nhiễm thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm từ sữa, thịt và nông sản, dẫn đến bệnh nặng, nhập viện và thậm chí không qua khỏi, đặc biệt ở những nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch suy yếu.
Thực phẩm có thể chứa vi khuẩn Listeria, bao gồm:
Thịt chế biến sẵn: Xúc xích, thịt thái lát và thịt nguội
Pate và thịt phết: Các sản phẩm thịt xay nhuyễn
Cá hun khói lạnh: Cá hun khói như cá hồi hun khói
Phô mai mềm
Các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng: Sữa tươi, phô mai chưa tiệt trùng và kem
Nước ép chưa tiệt trùng: Rượu táo và các loại nước ép trái cây chưa tiệt trùng khác.
Nông sản sống: Trái cây và rau củ chưa rửa, đặc biệt là dưa lưới
Giá đỗ sống
Sushi sống: Cá sống và các nguyên liệu sống khác trong sushi
Một số nhóm dân số dễ bị nhiễm Listeria hơn:
Phụ nữ mang thai
Người lớn tuổi
Những người có hệ miễn dịch suy yếu

Vi khuẩn Listeria gây bệnh Listeriosis. Ảnh: BioMerieux.
Triệu chứng khi nhiễm Listeriosis
Triệu chứng có thể xuất hiện từ vài ngày đến 2 tuần sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Theo Cleveland Clinic, phụ nữ mang thai có thể chỉ gặp các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng vẫn dễ lây nhiễm cho thai nhi.
Các triệu chứng bao gồm:
Sốt
Đau nhức cơ
Buồn nôn
Tiêu chảy
Đau đầu
Cứng cổ
Lú lẫn
Mất thăng bằng
Theo các báo cáo, nếu không được điều trị, bệnh Listeriosis có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Nhiễm trùng: Viêm nội tâm mạc, viêm tủy xương, viêm phúc mạc, viêm não, viêm màng não, viêm phổi và nhiễm trùng huyết.
- Các vấn đề liên quan đến thai kỳ: Sảy thai, thai lưu hoặc sinh non.
- Ảnh hưởng sức khỏe lâu dài: Chậm phát triển, mù lòa, tổn thương nội tạng, liệt và co giật.
- Các tình trạng đe dọa tính mạng: Nhiễm trùng huyết, suy nội tạng và không qua khỏi.
Bệnh Listeriosis có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài, đặc biệt nếu lan đến não hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Cách phòng ngừa nhiễm khuẩn Listeriosis:
Rửa tay kỹ trước và sau khi xử lý sản phẩm tươi
Rửa sạch sản phẩm tươi dưới vòi nước chảy để loại bỏ bụi bẩn hoặc vi khuẩn
Bảo quản sản phẩm bằng hộp kín trong tủ lạnh
Nấu hoặc xử lý nhiệt thực phẩm trước khi tiêu thụ, đặc biệt nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao.