Loạt công chức 8X, 9X Hàn Quốc nghỉ việc
Nhân sự trẻ tại Hàn Quốc đồng loạt rời khỏi các công ty trong lĩnh vực dịch vụ công vì mức lương thấp, môi trường làm việc cứng nhắc và mâu thuẫn thế hệ.
Mức lương thấp, văn hóa làm việc cứng nhắc và hiệu suất kém trong ngành dịch vụ công tại Hàn Quốc khiến nhiều công chức trẻ quyết định nghỉ việc. Phần lớn nhân sự rời đi thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) và Gen Z (sinh năm 1997-2012).
Mặc dù sự an toàn và mức lương hưu ổn định từng được coi là lợi thế của các công việc trong doanh nghiệp nhà nước, thế hệ trẻ dần mất đi hứng thú với những ưu điểm này. Lương thưởng thấp và văn hóa làm việc cứng nhắc không thể đáp ứng kỳ vọng của họ.
Số lượng video trên YouTube hoặc bài đăng trên blog chia sẻ lý do nghỉ việc của các công chức trẻ tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng. Số liệu thống kê cũng chứng minh được xu hướng này, theo The Korea Times.
Những con số 'biết nói'
Theo dữ liệu của Dịch vụ hưu trí dành cho nhân viên chính phủ, 28.934 công chức làm việc dưới 5 năm đã xin nghỉ trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2022. Chỉ trong năm 2022, 13.032 công chức nghỉ việc, đánh dấu mức tăng 72,6% so với năm 2019.
Trong số này, 3.020 công chức từ chức chỉ sau một năm công tác.
Một báo cáo của Dịch vụ nghiên cứu Quốc hội cũng chỉ ra các lý do đằng sau quyết định nghỉ việc của nhiều người, bao gồm mức lương thấp, sự xung đột thế hệ tại nơi làm việc và môi trường dịch vụ công cứng nhắc.
Sức hấp dẫn của các công việc trong cơ quan cung cấp dịch vụ công cũng giảm sút rõ rệt. Trong nỗ lực giữ chân các công chức trẻ sắp nghỉ việc, ủy ban lương công chức của đất nước đề xuất tăng lương từ 2,5-3,3% vào năm 2025. Cuối cùng, mức tăng 3% được công bố.
Mặc dù con số này có vẻ khiêm tốn, song đã đánh dấu mức tăng lương cao nhất đối với viên chức nhà nước kể từ năm 2017.
Trong 4 năm qua, mức tăng lương của công chức, viên chức nhà nước vẫn tương đối thấp, là 0,9% vào năm 2021, 1,4% vào năm 2022, 1,7% vào năm 2023 và 2,5% vào năm 2024. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát trong giai đoạn này là 2,5% vào năm 2021, 5,1% vào năm 2022 và 3,6% vào năm 2023.
Nỗ lực giữ chân, thu hút nhân sự trẻ
Bên cạnh vấn đề lương thưởng, văn hóa làm việc lỗi thời tại các cơ quan này cũng là lý do khiến nhiều người trẻ rời đi. Nhận thấy tầm quan trọng của việc giữ chân nhân sự trẻ, Hàn Quốc thành lập một ủy ban gồm 100 viên chức trẻ trên khắp cả nước hồi cuối tháng 10, nhằm mục đích thay đổi môi trường làm việc trong lĩnh vực dịch vụ công.
Các khuyến nghị mới được uy ban này đưa ra là không ép buộc làm thêm giờ, hạn chế tiếp xúc ngoài giờ hành chính, lắng nghe ý kiến của cấp dưới khi ra quyết định và cấm giao nhiệm vụ không mong muốn cho viên chức trẻ.
Một số địa phương chủ động xây dựng chế độ đãi ngộ hấp dẫn, cung cấp phúc lợi mới cho viên chức trẻ. Chế độ nghỉ phép dài hạn được đưa ra để khuyến khích nhân sự ứng tuyển.
Ngoài ra, các địa phương cũng nỗ lực xây dựng môi trường làm việc cởi mở, linh hoạt, cung cấp chế độ nghỉ phép hàng năm và nghỉ phép chăm sóc con. Một số đơn vị thúc đẩy văn hóa bữa trưa tập trung và bữa trưa doanh nghiệp, gia tăng tinh thần đoàn kết nội bộ.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/loat-cong-chuc-8x-9x-han-quoc-nghi-viec-post1514808.html