Lồng ghép giáo dục văn hóa học đường vào chương trình chính khóa
Đây là một trong những điểm nổi bật về tổ chức xây dựng văn hóa học đường được Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội) báo cáo Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chiều 13/12.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm Trần Thị Hải Yến, nhà trường coi xây dựng văn hóa học đường là một nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo ra môi trường giáo dục toàn diện, nơi học sinh phát triển không chỉ về tri thức mà còn về đạo đức, lối sống, và kỹ năng xã hội.
Điều này được thể hiện trong các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, xây dựng nhân cách học sinh để hình thành các giá trị cốt lõi như trung thực, tôn trọng, trách nhiệm, và tinh thần hợp tác.
Tạo môi trường học tập tích cực để khuyến khích sự sáng tạo, kỷ luật, và thái độ học tập chủ động; gắn kết các bên liên quan để thúc đẩy sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để xây dựng một cộng đồng giáo dục bền vững; hạn chế bạo lực học đường, hiện tượng tiêu cực, và sự ảnh hưởng xấu từ các yếu tố bên ngoài…
Truyền cảm hứng để thực hành những hành vi tích cực
Đáng chú ý, nhà trường tích hợp nội dung văn hóa học đường trong môn học chính khóa. Ví dụ, qua bài học về tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố ở môn Ngữ văn, học sinh thảo luận về lòng nhân ái, sự cảm thông đối với hoàn cảnh khó khăn của người khác, từ đó giáo dục thái độ sống yêu thương và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng trong môi trường học đường.
Tích hợp qua các bài học về truyền thống dân tộc “Phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX” ở môn Lịch sử với nội dung giới thiệu tinh thần đoàn kết, yêu nước của các thế hệ trước, từ đó giáo dục học sinh ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa học đường…
Nhà trường cũng sử dụng các bài giảng sinh động với ví dụ thực tế để học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa học đường. Ví dụ, môn Giáo dục công dân chủ đề “tôn trọng và hợp tác trong học đường”, giáo viên kể câu chuyện thực tế hoặc chiếu video ngắn về một học sinh luôn bị cô lập trong lớp vì không hợp tác khi làm việc nhóm. Sau khi xem video, giáo viên tổ chức thảo luận, yêu cầu học sinh đưa ra giải pháp để xây dựng môi trường hợp tác và gắn kết trong lớp. Từ ví dụ giáo viên truyền tải thông điệp nhấn mạnh rằng sự hợp tác, tôn trọng lẫn nhau là nền tảng để xây dựng văn hóa học đường tốt đẹp, tạo động lực cho tất cả học sinh học tập và phát triển.
Hay môn Địa lý, với chủ đề “bảo vệ môi trường học đường”, giáo viên đưa ra hình ảnh so sánh giữa một khuôn viên trường sạch đẹp và một ngôi trường bừa bộn, rác thải không được xử lý, yêu cầu học sinh xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo vệ môi trường lớp học và trường học (như phân loại rác, trồng cây xanh). Học sinh trình bày và thảo luận về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với văn hóa học đường…
“Việc sử dụng các bài giảng sinh động kết hợp ví dụ thực tế giúp học sinh không chỉ hiểu mà còn cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa của văn hóa học đường. Qua đó, các em được truyền cảm hứng để thực hành những hành vi tích cực, tạo dựng một môi trường học đường văn minh và đoàn kết”, cô Trần Thị Hải Yến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức các buổi chuyên đề về văn hóa học đường, đạo đức, hoặc kỹ năng sống ít nhất 1 lần/tháng, với các chủ đề khác nhau; mời diễn giả, chuyên gia nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về xây dựng lối sống văn minh; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.
Lấy học sinh làm trung tâm, đề cao vai trò của cộng đồng
Nhà trường căn cứ các văn bản pháp lý và các Bộ quy tắc ứng xử đã được ban hành, Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc, Bộ tài liệu nếp sống văn minh thanh lịch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Chỉ thị 30 của Thành ủy Hà Nội để xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho nhà trường, bảo đảm tính pháp lý và thực tiễn, dễ thực hiện và đồng thuận cao từ các bên liên quan, góp phần xây dựng môi trường giáo dục văn minh và bền vững.
Bộ quy tắc ứng xử của nhà trường được xây dựng nội dung cụ thể, phù hợp với bối cảnh địa phương và điều kiện thực tế của nhà trường. Bộ quy tắc ứng xử bao gồm cách ứng xử giữa thầy cô - học sinh, học sinh - học sinh, và học sinh với cộng đồng.
Xây dựng văn hóa ứng xử tích cực thông qua việc giáo dục đạo đức và kỹ năng sống: tổ chức các buổi học về kỹ năng giải quyết xung đột, giao tiếp, và làm việc nhóm; giáo dục học sinh về giá trị của sự tôn trọng, đồng cảm, và đoàn kết; giáo viên là người dẫn dắt và làm gương trong ứng xử văn minh, nhân ái.
Đối mới tổ chức, hoạt động của nhà trường gắn với xây dựng văn hóa học đường. Theo đó, phát triển môi trường giáo dục thân thiện, tạo không gian học tập tích cực, nơi mỗi học sinh đều cảm thấy được tôn trọng và phát huy tối đa khả năng cá nhân. Kết hợp giữa giá trị truyền thống và hiện đại, giữ vững các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống, đồng thời áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến. Lấy học sinh làm trung tâm, mọi hoạt động của nhà trường tập trung tạo điều kiện để học sinh phát triển cả về trí tuệ, thể chất và tâm lý.
Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm đặc biệt đề cao vai trò của cộng đồng, bởi theo cô Trần Thị Hải Yến, “xây dựng văn hóa học đường không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn cần sự đồng hành của gia đình và xã hội”. Nhà trường tự hào khi có sự kết nối chặt chẽ với phụ huynh và có mạng lưới chuyên gia uy tín từ nhiều lĩnh vực…
Giữ vững giá trị cốt lõi, lan tỏa những kinh nghiệm hay
Đoàn khảo sát đánh giá cao việc thực hiện nhiệm vụ năm học của Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, trong đó có văn hóa học đường, nhằm phát triển toàn diện học sinh, lấy học sinh làm trung tâm.
Cách thức triển khai các nhiệm vụ giáo dục văn hóa học đường, cả chính khóa và ngoại khóa, của nhà trường được đánh giá khá hài hòa, huy động sự tham gia của nhiều bên (giáo viên, phụ huynh, mạng lưới chuyên gia, những người có uy tín ở nhiều lĩnh vực như tâm lý, hướng nghiệp…).
Nhà trường giữ mối quan hệ tốt với các đơn vị đóng trên địa bàn, từ đó có sự hỗ trợ, đồng hành trong hoạt động giáo dục…
Nhà trường cũng đã nhận diện được các lỗi văn hóa của học sinh trong ứng xử, sử dụng mạng xã hội, tham gia giao thông… và có cách xử lý phù hợp.
“Cách làm của Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm có thể là kinh nghiệm quý cho nhiều trường khác trong xây dựng văn hóa học đường”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn - thành viên Đoàn khảo sát nhận định.
Đoàn khảo sát mong muốn, Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm thực hiện tốt hơn các văn bản của cấp trên về xây dựng văn hóa học đường, lựa chọn thế mạnh của nhà trường, với các tiêu chí cụ thể, phù hợp.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Trưởng Đoàn khảo sát, nhà trường cần giữ vững giá trị cốt lõi; xây dựng đội ngũ giáo viên yêu nghề, tâm huyết; duy trì mối quan hệ tốt với phụ huynh và mạng lưới chuyên gia; từ đó có những thế hệ học sinh phát triển toàn diện…
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=91752