Luật cần bám sát thực tiễn

Thu nhập ngày một giảm vì kinh tế khó khăn nhưng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) không giảm. Mức giảm trừ đã quá lạc hậu so với vật giá nhưng mãi không đổi khiến người dân phải 'thắt lưng buộc bụng' để nộp thuế. Đã đến lúc phải sửa Luật Thuế TNCN, để Luật bám sát thực tiễn.

Trên nghị trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, các quy định về Thuế TNCN là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đề cập.

Để tránh tạo thêm gánh nặng cho người nộp thuế trước những quy định đã lỗi thời, nhiều ý kiến cho rằng, một số bất cập của thuế TNCN nên được sửa ngay trong năm 2024.

Nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới sửa đổi quy định của Luật Thuế TNCN như đề xuất, sẽ có rất nhiều người dân phải "thắt lưng buộc bụng" nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN.

Trên thực tế, câu chuyện lỗi thời của thuế TNCN không phải mới mẻ. Trong suốt thời gian qua, nhiều chuyên gia, người dân thông qua các diễn đàn, cơ quan truyền thông đã phản ánh về những bất cập của thuế này, bởi Luật đã không theo kịp cuộc sống.

Theo quy định, Luật thuế TNCN thì mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu, cần sửa sớm khi người dân khó khăn vẫn phải đóng thuế.

Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Thống kê, so với năm 2020, giá dịch vụ hàng hóa tăng dịch vụ giáo dục tăng 17%; giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng 105%...

Do đó, mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân cũng như chưa phản ánh mức sống thực tế hiện nay.

Cùng với đó, Luật Thuế TNCN hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI 20%, tức là dựa trên rổ hàng hóa với 752 mặt hàng là bất hợp lý. Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân chỉ 20 mặt hàng.

Trong khi chờ tính mức trung bình của 752 mặt hàng thì sẽ rất lâu thì mới đến mức 20%, thậm chí là 6 - 7 năm. Thời gian này là quá dài, không phản ánh kịp thời biến động trong chi tiêu của người dân, các hộ gia đình, gây thiệt thòi cho người dân.

Mặt khác, lương tăng nhưng mức thuế TNCN, giảm trừ gia cảnh không điều chỉnh kịp thời gây âu lo cho người lao động vì lương tăng thì thu nhập tính thuế cũng tăng.

Chính vì vậy, việc không điều chỉnh kịp thời này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của cải cách tiền lương. Đó là lý do Luật Thuế TNCN cần được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay để thông qua vào tháng 5/2025, thay vì năm 2026 như dự kiến. Đề nghị này dù không mới, nhưng là mong mỏi của nhiều người dân suốt thời gian qua.

Lý giải về lý do chưa sửa đổi Luật Thuế TNCN, người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định, Bộ hiện đang thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Mức thu nhập bình quân hiện nay của chúng ta là 4,96 triệu đồng. Như vậy, để nộp thuế là 11 triệu đồng thì cao hơn mức thu nhập bình quân là 2,2 lần, trong khi ở thế giới là dưới 1 lần.

Thêm vào đó, CPI tính từ năm 2020 tới nay mới tăng 11,47%. Theo luật thì phải trên 20% thì mới thực hiện tăng giảm trừ gia cảnh, điều này có nghĩa là Bộ Tài chính đang thực hiện đúng Luật.

Lý do Bộ Tài chính đưa ra là có cơ sở. Tuy nhiên, thiết nghĩ Luật cần phải bám vào thực tiễn đời sống của người dân. Việc đề ra các phương án xét tăng mức giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế TNCN thời gian tới và bậc lũy tiến của các bậc thuế cần được nhanh chóng triển khai mềm dẻo, linh hoạt trong xây dựng chính sách mà vẫn đúng với quy định hiện hành.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/luat-can-bam-sat-thuc-tien.html