Luật cần tạo cơ chế cho ngành công nghiệp khai khoáng phát triển

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã phần nào đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội theo xu hướng mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các quy định trong bản dự thảo vẫn bộc lộ những nội dung cần được hoàn chỉnh hơn nữa.

Thảo luận về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản vào chiều 20-6, đại biểu Vũ Ngọc Long, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước đề nghị cơ quan soạn thảo, đặc biệt là cơ quan thẩm tra lưu ý để có cách tiếp cận và có thời gian để chỉnh sửa. Làm sao để có một dự thảo luật đáp ứng được 2 mục tiêu: một là bảo vệ khoáng sản quốc gia và hai là hài hòa lợi ích giữa các cá nhân, tổ chức, địa phương, các nơi có quy hoạch thăm dò, khai thác cũng như dự trữ khoáng sản.

Đại biểu Vũ Ngọc Long, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước thảo luận về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tại tổ

Đại biểu Vũ Ngọc Long, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước thảo luận về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản tại tổ

Đại biểu Vũ Ngọc Long cho biết, về quy hoạch bauxite, Bình Phước liên quan đến 2 quy hoạch là quy hoạch thăm dò, khai thác và quy hoạch dự trữ với tổng diện tích 100.000ha. Với những quy định luật hiện hành thì dù là quy hoạch thăm dò, khai thác hay là dự trữ thì gần như không được làm gì trên vùng quy hoạch khoáng sản. Trong khi đó, giá của bauxite hiện rất thấp, việc thu hồi, bảo vệ khoáng sản bauxite trên vùng dự trữ hoặc khai thác mà để làm công trình về kinh tế - xã hội gần như là không hiệu quả.

Theo đại biểu Vũ Ngọc Long, khái niệm về nhận biết khoáng sản chưa có, nguyên tắc về bảo vệ tài nguyên không thấy rõ, luật cũng chưa cá biệt hóa giữa tài nguyên được dự trữ và tài nguyên khai thác; chưa có sự phân biệt giữa các loại khoáng sản có giá trị cao, nằm tập trung, khu vực khai thác đối hẹp như sắt, đồng. Trong khi khoáng sản bauxite, titan là trải rộng mà bảo vệ như luật hiện hành hay dự thảo luật sửa đổi là chưa phù hợp.

Đại biểu đề nghị luật phải làm rõ các vấn đề sau: thứ nhất phải có biệt hóa về giá trị khoáng sản; thứ hai phân biệt chính sách đối với khoáng sản dự trữ và khoáng sản thăm dò, khai thác. Nếu luật không quy định chi tiết thì phải điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết các chế định để đại biểu yên tâm khi tiếp cận hồ sơ của luật, biểu quyết thông qua luật.

Đại biểu Vũ Ngọc Long cũng phản ánh những khó khăn, vướng mắc của địa phương trên vùng quy hoạch khoáng sản, nhất là những khó khăn liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng… Vì vậy, Luật Địa chất và Khoáng sản phải có các chế định cụ thể nhằm khai các điểm nghẽn hiện nay.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị nhiều chính sách cho ngành công nghiệp khai khoáng

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị nhiều chính sách cho ngành công nghiệp khai khoáng

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nêu rõ, Luật Khoáng sản năm 2010 và đến nay sau gần 14 năm thi hành có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một số quy định của Luật Khoáng sản vẫn còn một số bất cập, khó khăn, vướng mắc và không phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, việc xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, ngành công nghiệp khai khoáng trong nền kinh tế nước ta thời gian qua khá quan trọng. Tuy vậy, công nghiệp khai khoáng của nước ta chưa phát triển hết tiềm năng mà chỉ mới tập trung vào việc khai thác chứ chưa đủ công nghệ cũng như năng lực để đầu tư chế biến nhiều loại khoáng sản, trong đó có khoáng sản mang tính chiến lược như đất hiếm để mang lại hiệu quả kinh tế…. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phải có báo cáo rõ về nội dung này và đồng thời cũng có quy định trong dự thảo luật. Từ cơ sở đó chúng ta có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn đối với ngành công nghiệp khai khoáng; bổ sung giải thích về đóng cửa mỏ khoáng sản để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch.

Về phân nhóm khoáng sản, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, đây là một trong những điểm mới của dự thảo luật và là cơ sở khoa học xuyên suốt cho việc xây dựng nội dung các chương, điều, khoản. Tuy nhiên, quy định khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng cần phải xác định lại để phù hợp với các quyết định mới ban hành của Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8. Dự thảo gồm 117 Điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 Điều so với Luật Khoáng sản năm 2010.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/159092/luat-can-tao-co-che-cho-nganh-cong-nghiep-khai-khoang-phat-trien