Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung giải quyết các 'điểm nghẽn' thể chế

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ tập trung giải quyết các 'điểm nghẽn' thể chế và sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều nay (23/11) Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024). Sau Kỳ họp, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 8/2024) và trình Quốc hội thảo luận tại phiên toàn thể ngày 23/10.

 Lễ hội đình Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Hà Nội. Ảnh: Tr.Hiếu

Lễ hội đình Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Hà Nội. Ảnh: Tr.Hiếu

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Luật Di sản văn hóa thể chế hóa các chủ trương của Đảng, gắn kết văn hóa và phát triển bền vững, đồng thời kế thừa và điều chỉnh những bất cập trong thực tiễn.

Đặc biệt, Luật sửa đổi lần này sẽ tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” thể chế và bảo đảm tính đồng bộ với các luật liên quan. Đây thực sự sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản cho sự phát triển bền vững đất nước.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, đáp ứng các mục tiêu đề ra, nhất là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, nhằm bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa của dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Dự thảo Luật đã bổ sung những quy định mới về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; thay đổi, mở rộng chính sách đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ di sản văn hóa có nguy cơ mai một, thất truyền; bổ sung việc phân cấp thẩm quyền cho địa phương trong việc bảo quản, tu sửa cấp thiết di tích...

Luật bảo đảm tính minh bạch, khả thi và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm phù hợp các Công ước của UNESCO về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) phản ánh tầm nhìn chiến lược về việc hòa hợp giữa bảo tồn và phát triển. Các quy định mới không chỉ tập trung vào bảo vệ mà còn mở rộng cơ hội để cộng đồng tham gia vào công cuộc gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Cộng đồng không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà trở thành chủ thể, là trái tim của các hoạt động bảo tồn...

Ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật lần này khẳng định rằng, di sản văn hóa không chỉ là quá khứ, mà còn là hiện tại và tương lai. Nó không chỉ tồn tại trong các hiện vật, công trình, mà còn sống động trong tinh thần và cách chúng ta kể câu chuyện của mình với thế giới. Trong sự tương tác giữa con người và di sản, giữa bảo tồn và đổi mới chính là cách chúng ta giữ gìn bản sắc, định hình tương lai và để lại dấu ấn không phai mờ cho các thế hệ mai sau.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/luat-di-san-van-hoa-sua-doi-tap-trung-giai-quyet-cac-diem-nghen-the-che-post322545.html