Luật hóa pháp lý bảo vệ người làm kế toán

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán. Trong đó, nội dung được nhiều người làm nghề kế toán quan tâm là dự thảo đã bổ sung quy định về việc người làm kế toán có ý kiến khác với cấp trên và đã bảo lưu ý kiến của mình thì không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm khi chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Tại các diễn đàn của cộng đồng kế toán, theo ghi nhận đến nay đã có hàng trăm ý kiến bày tỏ đồng tình với những nội dung sửa đổi của dự thảo Luật. Trong đó, đối với các quy định bảo vệ quyền lợi của người làm kế toán, nhiều chuyên gia tư vấn cho rằng, việc luật hóa trách nhiệm của người đúng đầu và trách nhiệm của kế toán là rất cần thiết trong quá trình xử lý các sai phạm của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề tài chính, tham nhũng và chấp hành các chính sách thuế.

Nhóm tư vấn của Diễn đàn Kế toán doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, hiện nay, các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức tại các luật liên quan chưa rõ ràng và thống nhất. Cụ thể, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện đang sử dụng các thuật ngữ “người đứng đầu”, “cấp phó của người đứng đầu”. Trong khi đó, Luật Lao động sử dụng thuật ngữ “người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân và người được ủy quyền theo quy định pháp luật” và Luật Kế toán 2015 chỉ quy định các nội dung liên quan đến người đại diện theo pháp luật.

Vì thế, khi sửa đổi Luật Kế toán, việc bổ sung các quy định theo hướng xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc tuân thủ Luật Kế toán và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị là rất cần thiết để giảm áp lực chịu trách nhiệm đối với người làm kế toán khi người đứng đầu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, đồng thời phòng chống tham nhũng, lãng phí tại các cơ quan, đơn vị, nhất là khu vực công.

Thực tế thời gian vừa qua, nhiều vụ án kinh tế cho thấy nhiều người đứng đầu đơn vị thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, người làm công tác kế toán vi phạm pháp luật thụ động do phải chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo. Do đó, quy định không truy cứu trách nhiệm đối với người làm kế toán có ý kiến khác với cấp trên và đã bảo lưu ý kiến của mình sẽ giúp người làm kế toán giảm bớt rủi ro nghề nghiệp, yên tâm công tác, mạnh dạn có ý kiến khi phát hiện chỉ đạo của cấp trên sai nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc đưa vào Luật Kế toán (sửa đổi) những quy định này giúp cho hiệu quả thực thi các chuẩn mực đạo đức kế toán được nâng cao hơn. Khi Luật Kế toán mới được ban hành thì những quy định cụ thể này sẽ tích hợp đồng bộ được với các pháp lý về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm như các quy định đã được Chính phủ luật hóa tại Nghị định số Nghị định 73/2023/NĐ-CP.

Ngoài các quy định về nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người làm kế toán, theo Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, việc Bộ Tài chính bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán các quy định liên quan đến hạch toán theo giá trị hợp lý và lưu trữ chứng từ, sổ kế toán trên phương tiện điện tử là những thay đổi căn bản giúp hoạt động kế toán tại Việt Nam minh bạch thông tin, chấp nhận và thừa nhận các chuẩn mực kế toán quốc tế.

Cụ thể, dự thảo Luật cho phép áp dụng hạch toán theo giá trị hợp lý đối với một số loại tài sản có thể xác định được giá trị hợp lý sẽ giúp đánh giá đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, khắc phục được hạn chế của Luật Kế toán hiện hành đối với các quy định hạch toán theo giá gốc, không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả của tổ chức, doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc đưa vào các quy định lưu trữ chứng từ, sổ kế toán trên phương tiện điện tử sẽ tạo cơ sở để đổi mới quy trình kế toán, thay đổi các phương pháp kế toán, phương pháp pháp ghi sổ, lập và trình bày các báo cáo kế toán, báo cáo tài chính. Việc này sẽ tạo ra nền tảng áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ thông tin vào lĩnh vực kế toán, giúp lĩnh vực kế toán tại Việt Nam chuyển dần sang hướng không chỉ ghi nhận thông tin quá khứ về hoạt động kinh tế đã diễn ra, mà có thể sẽ là công cụ dự báo tài chính, tư vấn quản trị kinh doanh.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/luat-hoa-phap-ly-bao-ve-nguoi-lam-ke-toan-155329.html