Luật sư nói về vụ người nhà chú rể bắt thợ trang điểm cởi quần áo lục soát tiền bị mất
2 thợ trang điểm tại một đám cưới bị gia chủ giữ lại vì nghi trộm 20 triệu đồng.
Mạng xã hội vừa xôn xao video 2 thợ trang điểm cho cô dâu bị người nhà gia đình chú rể giữ lại, lục soát va li, đồ trang điểm, sau khi phát hiện bị mất 20 triệu đồng trong đám cưới.
Sự việc xảy ra ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Video cho thấy để chứng minh trong sạch, 2 cô gái cũng đã đồng ý để người nhà lục đồ kiểm tra.
2 cô gái cũng đề nghị gọi công an đến giải quyết, nhưng gia đình từ chối vì nhà đang có đám cưới không muốn gây ồn ào.
Đáng nói, người nhà chú rể còn đề nghị hai cô gái cởi áo quần để lục soát người; đồng thời lớn tiếng đe dọa sẽ đánh 2 cô gái. Ấm ức, cô gái đã bật khóc nức nở.
Tuy nhiên, cô vẫn cởi phăng áo quần để người nhà chú rể kiểm tra. Song đã không phát hiện được gì.
Một vài người nhà của chú rể bước vào để gửi lời xin lỗi đến hai cô gái. Mẹ chú rể cũng trực tiếp xuống xin lỗi mong 2 thợ trang điểm bỏ qua.
Đến nay, cơ quan công an đã mời những người có liên quan đến làm việc.
Liên quan thông tin trên, luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng luật sư Hà Hải và Cộng sự, nhìn nhận vụ việc cần được xem xét trên nhiều góc độ pháp lý.
Đầu tiên, gia chủ nghi ngờ 2 cô gái lấy trộm tiền nên buộc tháo hết đồ đạc, thậm chí đòi cởi đồ của 2 cô gái ra để kiểm tra. Vì quá sợ hãi, hai cô gái mới khóc nức nở, đành cởi quần áo để gia chủ lục soát cơ thể. Sau đó, dù không chứng minh được 2 thợ trang điểm trộm tiền thì vẫn tiếp tục kiểm tra vali và không lên tiếng xin lỗi.
Chưa kể, có người trong gia đình gia chủ còn cổ súy hành vi vi phạm bằng cách livestream, chụp hình, quay video và đưa lên mạng xã hội. Đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm vào tội làm nhục người khác theo điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Hành vi ép buộc người khác cởi đồ, đặc biệt trong không gian công cộng hoặc trước mặt người khác, có thể bị coi là hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm. Đây là hành vi làm nhục người khác, có thể phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Trong trường hợp trên, người bị hại cần làm đơn tố giác tội phạm về hành vi làm nhục người khác đến cơ quan công an. Người bị hại có quyền yêu cầu khởi tố hình sự hoặc bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, tinh thần theo Bộ luật Dân sự 2015.
Trước hết, cơ quan công an cần tiến hành xác minh có hay không hành vi trộm cắp số tiền 20 triệu, làm rõ hành vi làm nhục bằng cách thu thập chứng cứ như lấy lời khai của thợ trang điểm, gia đình khách hàng, người làm chứng, hình ảnh, video…
"Danh dự và nhân phẩm là quyền bất khả xâm phạm của mỗi con người. Hành vi ép buộc, làm nhục người khác không chỉ gây tổn thương tinh thần mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật" - luật sư Bích Liên nói.