Lướt sóng giữa bão Wipha ở Hong Kong
Trước sự đổ bộ của bão Wipha với mức cảnh báo T10 cao nhất tại Hong Kong, một huấn luyện viên vẫn lướt sóng với khẩu hiệu 'sóng càng lớn, càng vui'.

Một người đàn ông mang theo ván lướt sóng đứng giữa bãi biển tại vịnh Big Wave khi bão Wipha áp sát Hong Kong. Cuối cùng, anh quyết định không xuống nước. Ảnh: Antony Dickson.
Giữa lúc Đài quan sát Hong Kong (Trung Quốc) phát đi tín hiệu bão T10 – mức cảnh báo cao nhất trong hệ thống cảnh báo bão của đặc khu – một huấn luyện viên lướt sóng tại địa phương vẫn khẳng định đang xuống nước tại bãi biển Pui O vào sáng 20/7. Trong khi đó, công ty Go Surf HK, nơi anh đang làm việc, tiếp tục quảng bá khóa học lướt sóng với khẩu hiệu: “Sóng càng lớn, càng vui”.
Trên trang Instagram chính thức, Go Surf HK tuyên bố giảm giá 20% cho người đăng ký lớp học trong thời gian T10 có hiệu lực. Một phiên bản bài đăng trước đó thậm chí viết: “Nếu bạn chơi T10, bạn sẽ được giảm giá”.
Công ty sau đó đính chính rằng khuyến mãi không áp dụng cho các buổi học trong ngày bão, mà dành cho các khóa học trong tương lai, đồng thời cam kết không gây nguy hiểm cho học viên.

Người dân chụp ảnh bên bờ sông ở Tsim Sha Tsui ngay sau khi tín hiệu T10 được ban bố. Ảnh: Edmond So.
Tuy nhiên, hành động này vẫn dấy lên làn sóng chỉ trích từ các vận động viên và huấn luyện viên lướt sóng tại Hong Kong. Nhiều người cho rằng đây là hành vi “thiếu tôn trọng hoàn toàn với sức mạnh của đại dương” và đi ngược lại nỗ lực gìn giữ bộ môn lướt sóng an toàn và có trách nhiệm.
"Lướt sóng giữa cơn bão cấp 10 thật là lố bịch. Trong bối cảnh chính phủ đang xem xét siết chặt quy định với các môn thể thao dưới nước, hành vi này càng gây thêm áp lực không cần thiết", một người lướt sóng địa phương chia sẻ với SCMP.
Tín hiệu bão T10 được Đài quan sát Hong Kong ban bố lúc 9h20 ngày 20/7 (giờ địa phương), khi bão Wipha tiến sát thành phố, chỉ cách khoảng 50 km về phía nam. Đài quan sát Hong Kong cảnh báo cơn bão này có thể “gây ra mối đe dọa đáng kể” cho thành phố. Đây là lần đầu tiên kể từ siêu bão Saola năm 2023, đặc khu phát đi cảnh báo cấp độ cao nhất này. Saola từng khiến 86 người bị thương, gây lở đất và làm đổ hàng nghìn cây xanh.

Hong Kong gần như tê liệt vì siêu bão Saola (năm 2023) kèm theo mưa lớn và gió giật cực mạnh. Ảnh: Yik Yeung-man.
Theo giới chuyên môn, việc xuống nước trong thời điểm sóng gió không thể đoán định là rất nguy hiểm. “Cơn bão quá gần bờ, nên gió và sóng có thể tăng đột ngột từ 0 lên 100. Lý tưởng nhất là các cơn bão có thể lướt sóng phải cách đất liền ít nhất 600 km”, một người lướt sóng khác cảnh báo.
SCMP đã liên hệ huấn luyện viên liên quan để làm rõ vụ việc, đồng thời xác thực video ghi lại cảnh nhiều người vẫn đang lướt sóng tại Pui O vào thời điểm bão đổ bộ. Trong khi đó, cộng đồng lướt sóng Hong Kong tiếp tục kêu gọi trách nhiệm từ các đơn vị tổ chức, tránh lặp lại những hành động tiềm ẩn nguy cơ đối với cả người chơi và hình ảnh môn thể thao này.
Tại Việt Nam, hồi 13h trưa 20/7, tâm bão Wipha nằm trên vùng biển phía bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 630 km về phía đông, bão đã mạnh lên cấp 12 (118-133 km/giờ), giật cấp 15.
Theo các chuyên gia, bão Wipha đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Việc bão di chuyển rất nhanh trên khu vực Bắc Biển Đông khiến thời gian bão ảnh hưởng đến nước ta sớm và cường độ ít bị suy giảm. Tuy nhiên, khi vào vịnh Bắc Bộ và đổ bộ đất liền nước ta, bão đi chậm lại khiến thời gian tác động lâu hơn.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/luot-song-giua-bao-wipha-o-hong-kong-post1570208.html