Lý do nhân viên chọn làm việc với người sếp tồi

Một giáo sư tâm lý học lãnh đạo và tổ chức tại Cao đẳng Claremont McKenna đã chỉ ra 4 lý do khiến nhiều nhân viên vẫn tiếp tục làm việc với ông chủ độc hại.

 Nhiều người vẫn lựa chọn làm việc với sếp tồi. Ảnh: Pexels.

Nhiều người vẫn lựa chọn làm việc với sếp tồi. Ảnh: Pexels.

Ronald Riggio - giáo sư tâm lý học lãnh đạo và tổ chức tại Cao đẳng Claremont McKenna - nhận định sếp tệ là người không thích lãnh đạo vì họ thường tự ái, không thực sự quan tâm đến nhân viên của mình và sẽ làm bất cứ điều gì để đạt được kết quả tốt nhất (ngay cả khi người khác phải vi phạm những chuẩn mực về đạo đức cơ bản). Trớ trêu thay, họ cũng thường nắm giữ vị trí quyền lực từ kinh doanh đến chính trị.

Ronald Riggio cho rằng khi phỏng vấn xin việc, mọi người thường không biết họ sẽ gặp phải một người chủ độc hại. Tuy nhiên, trúng tuyển vào công ty, họ có thể tiếp tục cống hiến cho những người sếp tồi tệ đó trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Theo Ronald Riggio, đa phần những người này chưa hiểu đúng về một người sếp tốt là như thế nào hoặc họ đang cố gắng gặt hái những lợi ích cá nhân từ mối quan hệ này.

Ronald Riggio nhận định sếp tốt là người đạt được thành công trong mọi hoàn cảnh khó khăn, biết quan tâm nhân viên và chấp nhận sự góp ý, phản hồi của người khác.

Dưới đây là 4 lý do vị giáo sư tâm lý học lãnh đạo và tổ chức tại Cao đẳng Claremont McKenna cho rằng nhiều nhân viên vẫn lựa chọn làm việc với một người sếp tồi, theo CNBC.

Nhầm lẫn giữa tự ái với tự tin

Vào năm 2011, nghiên cứu của ĐH Amsterdam đã chọn ngẫu nhiên một người làm nhóm trưởng ở mỗi nhóm tham gia khảo sát. Các nhóm này phải hoàn thành một nhiệm vụ, sau đó, thành viên trong nhóm sẽ đánh giá nhóm trưởng.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy những người tham gia khảo sát đánh giá người lãnh đạo tự ái nhất là hiệu quả nhất; ngay cả khi họ hạn chế về giao tiếp và làm tổn hại đến hiệu quả làm việc của nhóm.

Ronald Riggio nhận định sự tự ái của một người lãnh đạo tồi biểu hiện ở việc họ luôn cho rằng bản thân đúng và từ chối sự giúp đỡ của người khác. Họ cũng không rút ra bài học từ những sai lầm của bản thân.

"Tặc lưỡi" chấp nhận và cho qua mọi việc

Theo Ronald Riggio, khi một người sếp tồi làm sai điều gì đó, mọi người thường "tặc lưỡi" chấp nhận và cho qua mọi việc, thay vì bắt sếp phải chịu trách nhiệm. Họ nghĩ sếp là người đứng trên mọi nguyên tắc.

Hệ quả là người lãnh đạo tồi sẽ tiếp tục mắc sai lầm, và các sai lầm sau này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng hơn trước.

Bên cạnh đó, Ronald Riggio nhận định nhiều nhân viên thường có xu hướng hành động theo những người gặp tình trạng giống như họ. Cụ thể, nếu đồng nghiệp bày tỏ thái độ ủng hộ sếp tồi, đối tượng này sẽ nghe theo ý kiến và hành động của đám đông hơn là giữ vững lập trường cá nhân.

Đánh đồng kết quả tốt với khả năng lãnh đạo tốt

Giáo sư tâm lý học lãnh đạo và tổ chức tại Cao đẳng Claremont McKenna cho biết những người sếp tồi thường có vẻ lãnh đạo tốt khi mang lại kết quả giá trị cho công ty chẳng hạn như tăng lợi nhuận hoặc thành công trong một thương vụ bán hàng.

Tuy nhiên, các thành tích này hay liên quan đến thiệt hại về tài sản thế chấp, hoặc do họ đã đối xử tệ với nhân viên; nhiều trường hợp còn liên quan đến các quyết định phi đạo đức.

Được thăng chức, tăng lương

Theo Ronald Riggio, các ông chủ thường nắm giữ quyền lực trong một công ty hoặc một nhóm. Nhiều nhân viên tiếp tục lựa chọn hỗ trợ những người sếp tồi còn vì hy vọng nhận được "phần thưởng" là thăng chức hoặc tăng lương.

"Nhân viên thường bị thu hút bởi một người sếp tồi vì họ muốn xây dựng mối quan hệ với người có quyền lực", Ronald Riggio nói.

Giáo sư tâm lý học lãnh đạo và tổ chức tại Cao đẳng Claremont McKenna khuyến khích mọi người nhận ra những xu hướng tâm lý nêu trên để xác định rõ họ có đang làm việc cho một người sếp tồi hay không.

Nguyễn Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-nhan-vien-chon-lam-viec-voi-nguoi-sep-toi-post1363553.html