'Mái nhà chung' của người có công

Những ngày tháng Bảy lịch sử, chúng tôi tìm về Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh tại thị xã Sa Pa. Ngay từ sáng sớm, ông Đinh Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm cùng cán bộ, nhân viên đã có mặt tại cổng để chào đón đoàn người có công với cách mạng tỉnh Vĩnh Phúc đến điều dưỡng theo định kỳ. Những cái bắt tay, nụ cười trìu mến, câu hỏi ân cần của mọi người dường như xua đi cảm giác mệt mỏi của các thương binh, bệnh binh sau hành trình dài hàng trăm cây số.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến trung tâm là hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại thể hiện sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, toàn xã hội đối với người có công. Với diện tích hơn 10.000 m2, trung tâm có 1 nhà điều hành, 4 khu nghỉ dưỡng, 1 khu đa năng. Hiện trung tâm có tổng số 71 phòng với 142 giường. Tất cả phòng ở đều sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, đầy đủ tiện nghi, thường xuyên được nhân viên quét dọn.

Ngoài việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe 24/24 giờ cho người có công, hiện tại trung tâm được đầu tư thêm các trang - thiết bị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hiện đại, như ghế massage toàn thân, máy massage chân, máy ngâm chân, máy vật lý trị liệu cơ học, máy tập thể dục… Cùng với đó, trung tâm xây dựng thực đơn với nhiều món ăn bảo đảm chất lượng, số lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Y sỹ Phạm Tuấn Vũ, phụ trách nhà ăn của trung tâm cho biết: Từ khâu lựa chọn thực phẩm đến khâu chế biến đều được chú trọng, hợp khẩu vị với mỗi nhóm đối tượng, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Nhà bếp cũng thay đổi thực đơn theo từng bữa, có chế độ ăn kiêng theo yêu cầu của người có công…

Bước sang tuổi 76, bệnh binh Đỗ Công Tụng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vẫn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Ông Tụng cho biết đây là lần đi điều dưỡng thứ 8 của mình, nhưng là lần đầu tiên ông đến điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Sa Pa. Đến đây, chúng tôi được đón tiếp chu đáo, đúng nghĩa là đi nghỉ dưỡng, ông Tụng tâm sự.

Điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng.

Điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng.

Cùng học ngành y, nhưng việc phục vụ thương binh, bệnh binh ở Trung tâm Điều dưỡng người có công khác hẳn với y, bác sỹ công tác ở các bệnh viện. Ở đây, ngoài việc thăm khám, sơ cứu ban đầu cho thương, bệnh binh, nhiệm vụ chủ yếu của các nhân viên y tế là chăm sóc, nuôi dưỡng. Tùy vào thương tật, bệnh tật của mỗi thương binh, bệnh binh, tính cách của từng người mà cán bộ, nhân viên phải nắm được để chăm sóc, phục vụ phù hợp.

Mỗi cán bộ, nhân viên của Trung tâm Điều dưỡng người có công Sa Pa đều tận tậm, tận tụy với công việc chăm sóc, điều dưỡng sức khỏe cho người có công.

Mỗi cán bộ, nhân viên của Trung tâm Điều dưỡng người có công Sa Pa đều tận tậm, tận tụy với công việc chăm sóc, điều dưỡng sức khỏe cho người có công.

Y sỹ Đinh Văn Đạt đã có 11 năm gắn bó với công tác y tế, chăm sóc thương binh, bệnh binh tại trung tâm cho biết: Do đặc thù công việc, người điều dưỡng phần lớn tuổi cao, sức khỏe yếu nên việc thực hiện nhiệm vụ ở đây ngoài tinh thần trách nhiệm, mỗi cán bộ, nhân viên còn luôn nêu cao tâm đức, chú trọng rèn luyện chuyên môn, tu dưỡng đạo đức để có ứng xử phù hợp trong công tác.

Trong thời gian điều dưỡng, người có công được tham gia nhiều hoạt động rèn luyện sức khỏe, nâng cao tinh thần.

Trong thời gian điều dưỡng, người có công được tham gia nhiều hoạt động rèn luyện sức khỏe, nâng cao tinh thần.

“Tham gia các đợt điều dưỡng, tôi không chỉ được chăm sóc sức khỏe mà còn có điều kiện nắm thông tin về cuộc sống, sức khỏe của đồng đội. Không chỉ được hưởng chế độ chăm sóc, điều trị vật lý trị liệu, chúng tôi còn được tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao”, thương binh Nguyễn Văn Ngọ (thành phố Vĩnh Phúc) bộc bạch.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Lào Cai đã đón 5 đợt điều dưỡng với gần 500 người có công, thân nhân người có công trong và ngoài tỉnh. Hằng năm, trung tâm đều xây dựng kế hoạch điều dưỡng chi tiết; phối hợp với phòng lao động, thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp đưa đón người có công đến điều dưỡng; tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan danh lam, thắng cảnh trên địa bàn thị xã Sa Pa. Cuối đợt điều dưỡng, trung tâm tổ chức họp tổng kết rút kinh nghiệm và tặng quà cho người có công đến điều dưỡng...

Sức khỏe, tuổi thọ của người có công được tăng lên, giảm bớt bệnh tật là động lực để cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Lào Cai nỗ lực hơn nữa.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/mai-nha-chung-cua-nguoi-co-cong-post371062.html