Mái nhà chung lớn mạnh, nghĩa tình: Quê hương thứ hai

Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ủy ban MTTQ TP HCM đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình...

Với nhiều người, từ lâu TP HCM đã là quê hương thứ hai. Ở đây, không ai bị bỏ lại phía sau...

Từ Cà Mau lên TP HCM tìm việc làm với hy vọng sẽ thoát khỏi cảnh nghèo khó, anh Nguyễn Thành Nam gần như mất tất cả sau đại dịch COVID-19.

Dãy trọ ấm áp

Gia đình anh Nam thuê trọ ở huyện Bình Chánh, TP HCM. Một năm trước, cơn tai biến bất ngờ ập đến khiến Nam liệt nửa người, không lâu sau vợ anh cũng rời đi. Thương tình, ông Nguyễn Anh Thi, chủ dãy nhà trọ, tạo điều kiện để anh ở lại.

"Ba mẹ tôi mất khi dịch COVID-19 bùng phát, vợ cũng đã bỏ tôi. Nếu không có dãy nhà trọ này thì tôi không biết nương tựa vào đâu" - người đàn ông nghẹn ngào kể và cho biết anh luôn nhận được sự yêu thương của người xung quanh. Không chỉ anh, bất cứ ai trong khu trọ mỗi khi gặp khó khăn cũng đều được sẻ chia tương tự.

Bà Tô Phương Anh cùng các con nuôi ghé thăm Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi, TP HCM). Ảnh: THIỆN AN

Bà Tô Phương Anh cùng các con nuôi ghé thăm Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi, TP HCM). Ảnh: THIỆN AN

Dãy nhà trọ của ông Nguyễn Anh Thi là nơi đầu tiên thực hiện mô hình "Khu trọ xanh - nghĩa tình" do Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh phát động. Dãy nhà trọ nhiều cây xanh này được gắn camera giám sát; có tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; có nơi phơi quần áo đủ điều kiện ánh sáng và phù hợp mỹ quan khu dân cư.

Dãy nhà trọ còn có khu vực sinh hoạt chung. Theo ông Thi, đó là địa điểm mọi người có thể ngồi nói chuyện, cùng chia sẻ về những niềm vui lẫn khó khăn trong cuộc sống. Từ đó, họ gắn kết, yêu thương nhau hơn.

Công an tổ chức tuyên truyền pháp luật tại dãy trọ ông Nguyễn Anh Thi

Công an tổ chức tuyên truyền pháp luật tại dãy trọ ông Nguyễn Anh Thi

Bà Nguyễn Hồng Ngọc, Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh, cho biết mô hình "Khu trọ xanh - nghĩa tình" đưa ra tiêu chí xanh - sạch - đẹp, kết hợp vận động chăm lo cho các hộ ở trọ có hoàn cảnh khó khăn. "Thông qua mô hình này, các chủ nhà trọ trên địa bàn và người ở trọ cùng thực hiện nếp sống văn minh đô thị" - bà Ngọc nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Phạm Minh Tuấn nhận xét mô hình nêu trên thể hiện sự sáng tạo và chủ động, giúp kết nối tình cảm của người dân trong khu trọ. Cũng từ đó, người dân có ý thức cùng nhau chung tay xây dựng khu dân cư văn minh, hiện đại, đoàn kết, không có tội phạm.

Những "sứ giả" dễ thương

Mỗi cuối tuần, ngôi nhà của bà Tô Phương Anh (quận Tân Bình, TP HCM) đông vui hẳn bởi sự góp mặt của Syhalath Chalernsouk và Sisongkham Mali - 2 sinh viên người Lào đang theo học tại Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch. Họ được bà nhận nuôi trong chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP HCM" do Ủy ban MTTQ TP HCM phát động.

Cả Syhalath và Sisongkham đều gọi vợ chồng bà Phương Anh bằng ba mẹ và xưng con. Bên mâm cơm với những món ăn truyền thống của người Việt, các thành viên trong gia đình kể cho nhau nghe về một tuần vừa trôi qua và không khí thêm rộn ràng khi Thummavong OlayVanh ghé đến sau giờ làm. Thummavong cũng là người Lào, được gia đình bà Phương Anh nhận nuôi khi đang là sinh viên năm 3 Trường ĐH Văn Lang. Hiện Thummavong đã tốt nghiệp và làm việc tại quận 1, TP HCM.

"Ngay từ những ngày đầu, để các con không cảm thấy có khoảng cách, vợ chồng tôi chủ động đến ký túc xá tìm gặp và đón về nhà" - bà Phương Anh nhớ lại. Bà cho biết thường xuyên liên lạc để nắm tình hình sức khỏe, học tập của các con, cuối tuần thì gọi về sum vầy.

Vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết thì gia đình bà Phương Anh đưa 3 người con Lào đi thăm những địa điểm nổi tiếng của TP HCM. "Các con rất hiền và dành nhiều tình cảm cho gia đình. Thông qua những hoạt động chung, chúng tôi ngày càng gắn kết, quý mến nhau, hiểu về văn hóa của nhau hơn" - bà chia sẻ.

Thummavong OlayVanh bày tỏ rất hạnh phúc khi được làm con nuôi của gia đình "mẹ Tô Phương Anh", cũng nhờ đó mà càng thêm hiểu và yêu hơn văn hóa, con người Việt Nam. "Những lúc tôi gặp khó khăn thì gia đình mẹ Phương Anh sẵn sàng giúp đỡ. Tôi muốn được làm việc lâu dài tại TP HCM vì cảm nhận đây chính là quê hương thứ 2 của mình" - Thummavong OlayVanh xúc động.

Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho biết chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP HCM" được triển khai từ năm 2021. Chương trình nhằm tạo môi trường để sinh viên Lào, Campuchia tham gia trải nghiệm đời sống sinh hoạt hằng ngày của gia đình Việt Nam; giúp gắn kết tình cảm, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho công dân nước bạn trong thời gian học tập, sinh sống tại TP HCM. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao hiểu biết của họ về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, truyền thống, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Lào và Campuchia.

"Các em luôn giữ mối gắn kết dù đã tốt nghiệp hay về nước, trở thành những sứ giả ngoại giao nhân dân để cùng chia sẻ về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, truyền thống và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào - Campuchia" - ông Ngô Thanh Sơn nhấn mạnh.

(Còn tiếp)

Phát huy vai trò người dân

Ủy ban MTTQ TP HCM cho biết trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, với phương châm "Lấy sức dân chăm lo cho dân", "Chăm lo đúng người, đúng việc", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đã phát huy vai trò tự quản của người dân. Chất lượng cuộc sống và đời sống văn hóa tinh thần, các quy tắc ứng xử văn hóa trong cộng đồng dân cư được nâng cao; nhiều mô hình mới, cách làm hay trong việc vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội... được nhân rộng và lan tỏa.

Đại diện địa phương trao quà hỗ trợ anh Nguyễn Thành Nam

Phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" tiếp tục nhận được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội. Phương thức vận động, giúp đỡ của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên có nhiều đổi mới; cách thức triển khai đa dạng, phù hợp nhu cầu của các hộ nghèo. Nhiều mô hình, giải pháp hay đã góp phần giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mai-nha-chung-lon-manh-nghia-tinh-que-huong-thu-hai-19624092920152373.htm