Mang thanh âm cuộc sống đến với trẻ câm điếc

'Đôi khi mất bình tĩnh, nhiều con đánh, ném đồ ăn vào cô... Nhưng các cô vẫn kiên nhẫn, bởi tình thương với các con chưa bao giờ tắt', đó là chia sẻ của cô giáo Trần Thị Nhâm, giáo viên Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội...

Duyên với nghề, tâm huyết với trẻ câm điếc

Khác với các trường học khác, Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội không có tiếng trống, bởi tất cả học sinh ở đây đều không có khả năng nghe thấy âm thanh. Học sinh của trường có nhiều lứa tuổi, 3-4 tuổi, thậm chí có em ngoài 30 tuổi. Học sinh từ nhiều vùng miền trên cả nước và có điểm chung đến đây để được hòa nhập, để có được ngôn ngữ riêng cho cộng đồng mình. Dần dần, trường trở thành một gia đình tràn ngập tình thương mà cô giáo như người mẹ, bạn bè như anh em, trong đó các em học sinh thường gọi cô Trần Thị Nhâm là mẹ cả.

Cô Trần Thị Nhâm vốn là giáo viên của một trường tiểu học ở Thái Bình. Năm 1996, cô được một người bạn dẫn đi thăm các em học sinh câm điếc tại Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội. Một tình cảm đặc biệt xuất hiện trong cô. Đêm về, cô trằn trọc mãi, sau đó quyết định xin nghỉ dạy ở Thái Bình và chuyển về Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội làm giáo viên. Đến nay, cô Nhâm đã gắn bó với mái trường này được 24 năm. Lúc đó, ai cũng bảo cô “hâm” vì bỗng dưng từ viên chức sắp được nghỉ hưu lại xin nghỉ, rồi về dạy tại một trường tư nhân dạy những đứa trẻ không bình thường, lương ở đây chưa bằng 1/3 mức lương cũ. Ấy vậy, nhưng cô vẫn mỉm cười vì biết rằng điều này rất khó giải thích. Khi mới về trường, cô Nhâm gặp rất nhiều khó khăn khi không hiểu ngôn ngữ của các con, thậm chí bị các con dán chữ “ngu” lên lưng ("ngu" với trẻ điếc tức là không biết gì). Không bỏ cuộc, cô Nhâm tự học ngôn ngữ ký hiệu từ chính các con, dần dần giữa cô và trò đã có sợi dây kết nối. Có khá nhiều học sinh rụt rè, lo sợ khi đến trường, thậm chí có bạn gần 20 tuổi nhưng chưa từng tiếp xúc với người lạ, vì vậy mà vẫn được xếp vào lớp 1. Cũng có không ít bạn trong trạng thái ức chế, bực dọc thường làm những hành động phản đối, như: Đấm tay vào cửa kính, bôi bẩn lên người cô giáo... “Những lúc như thế phải hết sức nhẫn nại, đồng cảm với các con, chỉ có tình thương yêu mới có thể xoa dịu mọi bực dọc bẩm sinh mà các con chịu đựng”, cô Trần Thị Nhâm tâm sự.

Cô giáo Trần Thị Nhâm tặng hoa, chia vui với em Nam Long khi em có tác phẩm tranh xuất sắc, được đưa ra đấu giá.

Cô giáo Trần Thị Nhâm tặng hoa, chia vui với em Nam Long khi em có tác phẩm tranh xuất sắc, được đưa ra đấu giá.

Chính vì luôn làm việc với tâm thế của một người mẹ mà cô Nhâm đã góp phần giúp nhiều trẻ điếc từ chỗ rụt rè, tự ti, không nói được trở nên hoạt bát, vui tươi và có thể nói được một số câu ngắn, đặc biệt nhiều em còn phát huy được năng khiếu, như bạn Thái Anh nhập học năm 2000, nay đã trở thành chuyên gia ngôn ngữ ký hiệu. Gần đây nhất là bạn Nam Long phát huy tốt sở trường hội họa, có thể trở thành một họa sĩ trong tương lai; bạn Dương Phương Linh học giỏi tin học, phấn đấu trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin... Nhiều gia đình gửi con em vào trường chỉ với hy vọng cho con có chỗ để vui chơi, được chia sẻ nhưng không ngờ, các con có thể hòa nhập tốt và phát huy được năng khiếu. Có những trường hợp gia đình kinh tế khó khăn, cô Trần Thị Nhâm đã đưa các con về nhà nuôi nấng, dạy dỗ mà không thu tiền, nhất là vào dịp nhà trường nghỉ hè. Mỗi năm, cô Nhâm giúp đỡ, nuôi dưỡng miễn phí tại nhà khoảng 10 em. Có người bảo cô "vác tù và hàng tổng" nhưng rất nhiều người động viên bởi hành động chan chứa tình người của cô. “Niềm hạnh phúc lớn nhất là thấy các con giao tiếp được với nhau, với người khác, mình hiểu được các con nghĩ gì, sở trường của các con là gì để có thể giúp đỡ”, cô Nhâm tâm sự.

Tuổi hưu nhưng không nghỉ

Năm nay, cô Trần Thị Nhâm đã bước sang tuổi 69 nhưng cô và các cô giáo ở đây không có khái niệm nghỉ hưu, ai cũng mong muốn tiếp tục được làm việc để chứng kiến các con trưởng thành. Mỗi năm học đến, các cô lại đón nhận những hoàn cảnh éo le khác nhau và cùng chung tay dạy dỗ các con từng bước hòa nhập, trưởng thành. Bên cạnh các học sinh được gia đình tin tưởng gửi gắm, không ít trường hợp cô Nhâm phải chủ động đi vận động gia đình có trẻ câm điếc đến lớp. Bởi không ít gia đình mặc cảm vì con cái sinh ra không bằng bạn bằng bè. Cô Nhâm nhớ nhất trường hợp em Nguyễn Công Nam. Một lần, cô đến thăm nhà Nam đúng dịp có tổ chức từ thiện tặng em chiếc đầu DVD. Trò chuyện (bằng ký hiệu) với cô, Nam tủi thân ôm cô Nhâm khóc. Nam cho biết: “Em có nghe được đâu mà tặng đầu DVD. Em không muốn bị kỳ thị. Em muốn được đến lớp”. Biết được mong muốn của Nam, cô Nhâm hết sức cảm động và quyết tâm vận động gia đình cho em đến trường. Trải qua quá trình học tập dưới sự yêu thương của các cô, Nam đã "nghe" được nhiều hơn, tốt hơn, "nói" được kha khá chữ... Đến nay, Nguyễn Công Nam đã trở thành chuyên gia kỹ thuật hình ảnh cho một công ty. Trường hợp của em Chín Lệ (quê Thanh Hóa), được gửi về trường năm 2005 nhưng không hề có sự liên hệ của gia đình. Được sự đùm bọc của cô Trần Thị Nhâm và các cô trong trường, Lệ vẫn được ăn học đầy đủ. Hiện nay, Lệ đã ra trường, có gia đình riêng và việc làm ổn định. Chín Lệ vẫn thường xuyên dành thời gian về thăm mẹ Nhâm cũng như mái trường đầy ắp tình người.

Không ít lần trong lễ bế giảng, cô Trần Thị Nhâm tiễn học sinh trong nước mắt. Chẳng nỡ chia xa nhưng phải để các con đi để hòa nhập với cộng đồng. Cô Nhâm luôn dặn dò học sinh: “Nếu muốn, các con hãy về đây với cô bất kỳ lúc nào. Nhà trường luôn chào đón các con trở về với tình cảm yêu thương nhất”. Khi được hỏi trong suốt 24 năm qua, có lúc nào cô muốn thôi công việc tại trường? cô Nhâm nghẹn lòng nói: “Chưa bao giờ. Nhiều đêm tôi thức trắng nghĩ về các con đã thiệt thòi hơn mọi người, nếu mình thấy khó mà bỏ thì thật có lỗi với lương tâm. Động lực lớn nhất để tôi theo nghề là thấy các con "nói" được, "nghe" được và tự tin làm điều mình thích”. Cô Nhâm chia sẻ thêm, các cô giáo ở đây đều làm việc chủ yếu vì lòng yêu thương trẻ câm điếc chứ không phải vì tiền lương. Có những cô giáo điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn vẫn luôn tận tâm chăm sóc các em như con của mình.

Bà Đặng Minh Nguyệt, nguyên Hiệu trưởng Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội-người có nhiều năm làm việc với cô Trần Thị Nhâm, cho biết: “Để theo được công việc này chắc chắn không phải vì tiền lương mà phải có lòng kiên trì cùng sự đồng cảm, chia sẻ, thương yêu đối với trẻ câm điếc, mà cô Nhâm là một ví dụ điển hình. Với những cống hiến thầm lặng, cô Trần Thị Nhâm nhiều lần được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam biểu dương, khen thưởng...".

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/mang-thanh-am-cuoc-song-den-voi-tre-cam-diec-651019