Mạnh dạn giao việc

Bộ Chính trị đã có Thông báo số 50-KL/TW về thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị. Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khi đã tuyển dụng, dùng người tài thì phải mạnh dạn giao việc.

Gặp mặt các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Gặp mặt các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

PV: Thưa ông, chúng ta đã có nhiều chính sách để thu hút, trọng dụng người tài nhưng thực tế vừa qua việc thu hút trọng dụng người tài trong các cơ quan Nhà nước lại được rất ít. Phải chăng các chính sách không đủ sức hút?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

Ông NGUYỄN TIẾN DĨNH: Trước kia rất nhiều tỉnh, thành phố đã có chủ trương chính sách thu hút người tài. Thậm chí là đào tạo bồi dưỡng người tài, bỏ tiền ra cho đi đào tạo tiến sĩ, du học nước ngoài nhưng sau đó thì nhiều người được đi đào tạo không về, hoặc về một thời gian thì chuyển ra khu vực tư. Ví dụ Hà Nội chỉ giữ được khoảng 10% thôi, còn lại ra ngoài làm các công ty tư nhân. Thậm chí tại một số tỉnh như Quảng Nam, Đà Nẵng thì sau khi được cho đi đào tạo xong, họ đã trả lại tiền đào tạo, và chuyển sang khu vực tư.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này như: thu nhập còn thấp chưa thỏa đáng; môi trường làm việc, bố trí công việc chưa hợp lý, chưa được cấp trên tin tưởng giao việc quan trọng, thậm chí bị coi là chân “sai vặt”. Điều đó khiến họ không mặn mà làm việc tại khu vực nhà nước.

Không chỉ là thu hút, mà thực tế việc trọng dụng người tài cũng là vấn đề đáng bàn. Như việc bố trí không đúng với năng lực sở trường khiến thu hút xong rồi họ lại chuyển đi, thưa ông?

- Khi đã tuyển dụng, sử dụng người tài thì phải mạnh dạn giao việc cho họ. Người tài thì cũng phải trải qua thực tiễn, trong quá trình làm việc hãy để cho họ thể hiện và khẳng định năng lực của mình. Khi người ta không khẳng định được năng lực thì chúng ta mới xử lý điều chuyển. Nghĩa là phải giao việc và tôn trọng họ. Chứ người tài mà chúng ta lại sử dụng họ như “người bình thường” thì dễ làm họ nản.

Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng dự thảo “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” với phương châm 4 tốt, gồm: Đãi ngộ tốt, cơ hội thăng tiến tốt, môi trường làm việc tốt, sáng tạo tốt. Vậy theo ông trong dự thảo này cần tập trung đến yếu tố nào?

- Theo tôi, chúng ta vẫn phải quan tâm tới môi trường làm việc. Nghĩa là đưa họ vào môi trường làm việc thực sự, tạo điều kiện thực sự để người ta có khả năng bộc lộ và phát huy hết các năng lực, tài năng của họ. Cho nên quan trọng vẫn là sử dụng người tài, đưa họ vào môi trường hoạt động có cơ hội để thể hiện mình.

Có lẽ chúng ta không nên quá lo ngại việc đưa người tài vào các vị trí quan trọng. Bởi phải mạnh dạn sử dụng họ thì mới đánh giá được năng lực của họ?

- Chúng ta phải cơ động, linh hoạt trong việc giao việc. Bởi nếu họ không làm được thì chúng ta có thể đưa họ xuống theo nhiệm kỳ, hoặc chưa hết nhiệm kỳ thì vẫn có thể đưa xuống. Chứ không sợ giao việc, giao nhiệm vụ cho họ thì họ ngồi mãi đó.

Thực tế những người được đào tạo tốt, có năng lực, có tài năng thì thường đạt kết quả tốt. Còn hiệu quả công việc có đạt được xuất sắc hay không cũng phải giao việc, phân công thử thách họ trong thực tiễn thì chúng ta mới đánh giá hết được.

Như vậy quan trọng là phải sử dụng đúng vị trí, đúng sở trường năng lực chứ thu hút mà sử dụng không đúng thì tài năng cũng mai một?

- Như tôi đã đề cập ở trên. Chúng ta vẫn phải tin tưởng phân công giao việc để người ta khẳng định mình. Đừng đào tạo ngành này mà phân công làm việc của ngành khác. Như trước đây TP Hồ Chí Minh đã xảy ra việc cán bộ được đào tạo về công nghệ thông tin nhưng lại cho đi làm về thực phẩm. Sử dụng đúng năng lực sở trường thì mới phát huy được tài năng của họ.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ-Thái Nhung (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/manh-dan-giao-viec-5712889.html