Mất an toàn do 'shiper' phóng nhanh, vượt ẩu

Thời công nghệ 4.0, nhu cầu mua hàng online của người dân tăng cao đã kéo theo dịch vụ giao hàng ngày càng phát triển. Đáng nói, nhiều nhân viên giao hàng (shiper) do áp lực về thời gian, tính chất công việc... đã sử dụng điện thoại, phóng nhanh vượt ẩu khi di chuyển trên đường. Điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, mất an toàn giao thông.

Một nhân viên giao hàng vừa sử dụng điện thoại vừa đi trái làn đường khi tham gia giao thông (ảnh chụp ngày 5/12/2024 trên đường Bắc Kạn, TP. Thái Nguyên).

Một nhân viên giao hàng vừa sử dụng điện thoại vừa đi trái làn đường khi tham gia giao thông (ảnh chụp ngày 5/12/2024 trên đường Bắc Kạn, TP. Thái Nguyên).

Mới đây, vào giờ tan tầm buổi chiều, tôi đang chuẩn bị di chuyển ô tô khi đèn đỏ ở đường tròn Đồng Quang kết thúc thì bị một phen “hú hồn”. Một thanh niên mặc đồng phục của đơn vị giao hàng điều khiển xe máy vừa sử dụng điện thoại di động vừa đột ngột rẽ ngang đầu xe của tôi với tốc độ nhanh. Rất may, tôi đã phanh kịp nên không xảy ra va chạm. Nhìn theo chiếc xe, tôi thấy trên đó chất đầy hộp hàng đủ kích cỡ cả đằng trước và đằng sau. Người lái xe thì cố gắng luồn lách một cách nhanh nhất để vượt qua những chiếc xe đang nối đuôi nhau trên đường.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi chứng kiến các shiper phóng nhanh, vượt ẩu. Thực tế hàng ngày, khi di chuyển trên các trục đường quanh TP. Thái Nguyên, không khó để gặp hình ảnh các shiper vừa lái xe, vừa dùng điện thoại tìm địa chỉ giao hàng. Điều này ảnh hưởng đến việc quan sát những xe lưu thông trước và sau các shiper, đồng thời gây bức xúc cho người đi đường.

Chị P. H. L, ở tổ 1, phường Đồng Quang: Có lần, tôi đang di chuyển xe máy trên đường thì một shiper phóng sát qua xe. Tôi bị giật mình suýt nữa ngã ra đường, còn cậu thanh niên điều khiển xe va vào tôi chỉ ngoái lại nhìn rồi phóng đi rất nhanh. Tôi nghĩ cần phải xử lý nghiêm những hành vi như vậy để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Tôi hỏi thêm một số người khác thì đa số đều có chung quan điểm: Dù đi bộ hay đi xe trên đường, cứ nhìn thấy shiper là phải chủ động tránh xa hoặc đi chậm lại để đảm bảo an toàn. Lý do mọi người đưa ra là đã từng chứng kiến nhiều shiper phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí vượt đèn đỏ, chạy xe ngược chiều... khi đi giao hàng. Trong khi đó, nghề shiper thường phải chịu áp lực cạnh tranh đơn hàng, giao hàng ở nhiều địa điểm khác nhau nên shiper không tránh được việc xem điện thoại để tìm đường hoặc đi nhanh để giao hàng đến tay khách được sớm nhất, nhiều nhất có thể.

Tranh thủ những lần nhận hàng qua shiper, tôi có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Thanh Tùng, người đã gắn bó với công việc gần 2 năm thì được biết trung bình một ngày, mỗi người cần giao khoảng 30-40 đơn hàng theo khu vực được phụ trách, phần lớn khách hàng thường tranh thủ nhận đồ ngoài giờ hành chính nên shiper phải đi nhanh mới kịp giao cho khách.

Chưa kể, nếu không biết đường, phải đi theo bản đồ trên điện thoại sẽ mất rất nhiều thời gian. Để liên hệ được với khách, shiper chỉ có cách gọi điện, nhắn tin, nếu không sử dụng điện thoại thì không thể làm được công việc này. Để hạn chế việc vừa điều khiển xe máy, vừa cầm điện thoại, nhiều shiper đã khắc phục bằng cách mua thêm dụng cụ cố định điện thoại, gắn vào phần đầu của xe máy để phục vụ cho công việc. Tuy nhiên, việc vừa lái xe vừa nhìn điện thoại vẫn gây mất tập trung.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Thái Nguyên nói riêng và toàn tỉnh nói chung có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng chuyên nghiệp như: Viettel, J&T Express, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm..., ngoài ra còn có các cửa hàng kinh doanh lẻ chuyên bán các loại mặt hàng cũng thường xuyên thuê shiper. Những nhân viên giao hàng này không chỉ gồm những người làm cho các công ty chuyên nghiệp mà còn có những shiper hoạt động tự do, vận chuyển theo nhu cầu của người thuê, do đó, đội ngũ làm shiper cũng ngày càng nhiều.

Những tiện ích từ việc mua hàng online như giúp người mua tiết kiệm thời gian mua sắm, không phải di chuyển đến tận nơi để lấy hàng... sẽ là điều kiện để nghề shiper có khả năng phát triển hơn nữa. Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của shiper rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng. Đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa cũng cần thường xuyên giám sát, nhắc nhở nhân viên để hoạt động shiper đi vào nền nếp. Quan trọng hơn nữa là bản thân mỗi shiper phải tự nâng cao ý thức khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của chính mình và những người xung quanh.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng hoặc từ 2 - 4 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.

Trang Nhi

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/202412/mat-an-toan-do-shiper-phong-nhanh-vuot-au-b882220/