'Mắt thần' của S-400 bị vô hiệu hóa, Nga đối mặt thách thức lâu dài?
Lực lượng Ukraine đã vô hiệu hóa thành công radar 64N6, thành phần chính trong hệ thống tên lửa đất đối không S-300 và S-400 của Nga.
Theo trang tin Army Certification ngày 28-11, radar 64N6 - còn được gọi là Nadgrobiye (Bia mộ) - có thể đã bị phá hủy bằng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Việc sử dụng ATACMS và phá hủy radar đã giáng một đòn đáng kể vào khả năng chiến đấu của hệ thống phòng không Nga.
Việc mất đi một yếu tố quan trọng như radar 64N6 làm giảm khả năng phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa trên không của Nga ở khoảng cách xa.
Radar 64N6 là thành phần quan trọng trong hệ thống tên lửa đất đối không S-300 và S-400 của Nga. Đây là radar giám sát toàn diện, được thiết kế để phát hiện mục tiêu sớm, xác định tọa độ của chúng và truyền dữ liệu đến trung tâm chỉ huy.
64N6 có thể theo dõi cùng lúc 100 mục tiêu trên không, bao gồm máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, ở nhiều độ cao và tốc độ khác nhau.
Khả năng đa nhiệm này đảm bảo hệ thống S-300 và S-400 có thể ứng phó nhiều mối đe dọa trong môi trường chiến đấu thực tế, nhất là khi 64N6 có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên đến 300-400 km (tùy thuộc vào độ cao của mục tiêu).
Với tầm phát hiện lên đến 300-400 km (tùy thuộc vào độ cao của đối tượng), radar này có khả năng hoạt động chống lại các mục tiêu truyền thống và phức tạp, bao gồm cả vật thể khó quan sát.
64N6 đóng vai trò là "con mắt" của hệ thống S-300 và S-400, cung cấp khả năng phát hiện mục tiêu ở tầm xa ngay cả trước khi tên lửa của hệ thống có thể tấn công mục tiêu.
Điều này khiến 64N6 trở thành mục tiêu ưu tiên cho các cuộc tấn công của kẻ thù, vì việc phá hủy radar sẽ làm suy yếu đáng kể mức độ hiệu quả tổng thể của hệ thống.
Mất radar 64N6, Nga đối mặt với một thách thức lâu dài. Việc thay thế một hệ thống phức tạp và đắt tiền như 64N6 đòi hỏi thời gian, nguồn lực và công tác hậu cần đáng kể.
Điều này làm trì hoãn khả năng của Nga trong việc khôi phục toàn bộ phạm vi phòng không trong khu vực, khiến cơ sở hạ tầng quan trọng và tài sản quân sự dễ bị tấn công trong tương lai.