Minh bạch thông tin, đòi hỏi từ 2 phía

Minh bạch thông tin là nền tảng quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực chứng khoán. Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam có những chia sẻ cùng Đầu tư Chứng khoán về vấn đề này.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ quy định về công bố thông tin

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ quy định về công bố thông tin

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ quy định về công bố thông tin

Bà đánh giá thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã minh bạch chưa?

Thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động từ năm 2000, đang trên con đường phát triển mạnh mẽ với mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025. Tuy nhiên, tính minh bạch trên thị trường vẫn còn nhiều thách thức và cần được cải thiện hơn nữa để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

So với trước đây, các quy định về công bố thông tin đã được cải thiện đáng kể do những nỗ lực của các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán... Các doanh nghiệp niêm yết buộc phải công bố báo cáo tài chính định kỳ, các thông tin quan trọng về hoạt động doanh nghiệp và các sự kiện bất thường có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, một số vấn đề về minh bạch thông tin vẫn tồn tại, đặc biệt khi so sánh với các thị trường phát triển hơn.

Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Theo đánh giá từ một số tổ chức quốc tế, khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn bị hạn chế. Việc thiếu các báo cáo tài chính và thông tin doanh nghiệp bằng tiếng Anh là một rào cản lớn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Mặc dù đã có quy định về công bố thông tin song ngữ, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện nghiêm túc, dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thêm vào đó, giao dịch nội gián và việc công bố thông tin không kịp thời vẫn còn là vấn đề lớn. Một ví dụ cụ thể là 13 công ty niêm yết bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 dù đã đến ngày 1/4/2024, trong đó cũng không thiếu các công ty có khối lượng giao dịch cổ phiếu hàng ngày tương đối lớn và nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Minh bạch là một trong những yếu tố quan trọng để nâng hạng thị trường chứng khoán, trên bình diện chung, bà có góp ý gì?

Theo Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021), các doanh nghiệp niêm yết bắt buộc phải công bố thông tin tài chính, hoạt động kinh doanh và các sự kiện bất thường có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu là những thông tin quan trọng. Tuy nhiên, để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và hướng đến nâng hạng thị trường, Việt Nam cần có những cải tiến hơn nữa về tính minh bạch từ hai phía: Cơ quan quản lý và các doanh nghiệp niêm yết.

Về phía các cơ quan quản lý, tôi nhận thấy trong những năm gần đây, công tác quản lý đã có những bước tiến lớn trong việc nâng cao tính minh bạch. Tuy nhiên, để tăng tính cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư quốc tế, các biện pháp dưới đây theo tôi cần được chú trọng hơn nữa.

Một là, các cơ quan quản lý cần có một cơ chế mạnh mẽ hơn để giám sát việc tuân thủ quy định về công bố thông tin. Có thể thấy rằng, các quy định hiện nay về yêu cầu công bố thông tin rất đầy đủ như công bố định kỳ (báo cáo tài chính hàng quý, báo cáo thường niên)… Tuy nhiên, việc giám sát thực hiện đôi khi chưa đủ chặt chẽ. Các doanh nghiệp vẫn có thể chậm trễ hoặc không công khai thông tin một cách đầy đủ.

Hai là, cần áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) thay thế cho hệ thống chuẩn mực kế toán (VAS) hiện nay, do chuẩn mực VAS còn nhiều hạn chế và khác biệt với thông lệ quốc tế, đặc biệt chưa đáp ứng được yêu cầu của các định chế quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài. Áp dụng chuẩn mực IFRS sẽ giúp báo cáo tài chính của các doanh nghiệp rõ ràng và minh bạch hơn, dễ so sánh hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các thị trường phát triển như Mỹ hay EU đều áp dụng IFRS và đây là yếu tố quan trọng trong việc nâng hạng thị trường của Việt Nam.

Ba là, nâng cao năng lực giám sát và xử lý vi phạm. Trên quan điểm của tôi, một hệ thống giám sát thông tin minh bạch và hiệu quả cần được đẩy mạnh. Việc phát hiện và xử phạt hành vi giao dịch nội gián, thao túng giá và vi phạm quy định về công bố thông tin cần được thực hiện quyết liệt hơn. Thị trường Mỹ, thông qua Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC), có các cơ chế giám sát nghiêm ngặt và xử phạt nặng các vi phạm, điều này giúp tăng cường niềm tin vào thị trường.

Vậy còn từ phía các doanh nghiệp?

Trong những năm qua, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã bắt đầu có nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc minh bạch thông tin, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế so với các yêu cầu quốc tế. Tôi cho rằng, các vấn đề dưới đây các doanh nghiệp niêm yết cần phải chú ý làm tốt hơn nữa.

Một là, chủ động công bố thông tin song ngữ. Hạn chế lớn của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường Việt Nam là việc chỉ công bố thông tin bằng tiếng Việt. Điều này gây ra khó khăn cho các nhà đầu tư quốc tế. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một khảo sát thực tế trong năm 2024 trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, chỉ khoảng 10% các công ty niêm yết công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh, đa phần là các công ty có vốn hóa lớn. Theo kinh nghiệm từ các thị trường chứng khoán phát triển trong khu vực như Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc), việc công bố thông tin bằng tiếng Anh là bắt buộc và đây là yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn ngoại. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp niêm yết thực hiện công bố thông tin song ngữ sẽ rất có lợi trong việc thu hút đầu tư vào doanh nghiệp.

Hai là, các doanh nghiệp niêm yết phải minh bạch hơn nữa trong việc công bố báo cáo tài chính. Mặc dù các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam buộc phải công bố báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, nhưng chất lượng báo cáo đôi khi chưa đạt chuẩn. Một số doanh nghiệp vẫn sử dụng các thủ thuật kế toán để “làm đẹp” số liệu, điều này ảnh hưởng lớn đến tính minh bạch của thông tin, cũng như uy tín của doanh nghiệp với các nhà đầu tư.

Ba là, nâng cao tính minh bạch và hợp lý trong quản trị công ty. Tính minh bạch trong quản trị công ty bao gồm việc công khai thông tin về các quyết định quan trọng của hội đồng quản trị, giao dịch của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ, mức thù lao của ban lãnh đạo. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa coi trọng việc công khai thông tin này hoặc chưa giải thích rõ ràng và hợp lý về những thông tin này dẫn đến công ty mất uy tín trong mắt các nhà đầu tư.

Nếu được đưa ra những góp ý cụ thể để nâng cao tính minh bạch thông tin giúp thị trường Việt Nam sớm nâng hạng, bà sẽ góp ý gì?

Theo quan điểm của tôi, có nhiều vấn đề mà chúng ta cần xử lý triệt để.

Thứ nhất, cần có chế tài áp dụng yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết (bao gồm cả doanh nghiệp đang giao dịch trên UPCoM) phải có trang web, hiển thị song ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Khuyến khích, khen thưởng các doanh nghiệp có thêm ngôn ngữ khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc… Các doanh nghiệp cũng cần ý thức được khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, dòng vốn nước ngoài sẽ chảy mạnh vào thị trường và doanh nghiệp cần có những cách tiếp cận thuận lợi nhất đến các nhà đầu tư về thông tin doanh nghiệp mình. Thông tin doanh nghiệp hay công bố thông tin phải phù hợp với ngôn ngữ của nhà đầu tư nước ngoài, ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tiếp cận được.

Thứ hai, không cần thiết công bố nhà đầu tư nước ngoài mua hay bán bất kỳ mã gì. Chúng ta hãy coi họ như một bên tham gia mua bán như những nhà đầu tư trong nước. Việc thường xuyên thống kê nhà đầu tư nước ngoài mua bán gì có vẻ bất công cho họ trong việc bảo mật thông tin. Tôi cũng cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài không muốn bị thống kê như vậy, điều này cũng làm ảnh hưởng cho rất nhiều nhà đầu tư trong nước bị nhiễu khi phân tích cung - cầu.

Thứ ba, cần ngăn chặn tuyệt đối việc lộ thông tin doanh nghiệp, hay còn gọi là giao dịch nội gián. Việc này tạo nên sự bất công cho toàn bộ các bên tham gia trên thị trường, ảnh hưởng đến cung - cầu tại một số thời điểm. Việc giao dịch nội gián cần đưa vào khung hình phạt và áp dụng các chế tài, phạt tiền hoặc hạn chế giao dịch như các nước phát triển đang áp dụng.

Thứ tư, bộ phận quản lý, quan hệ cổ đông của doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn, tạo sự thông suốt trong việc tương tác với nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, cần có lộ trình nhanh đối với các doanh nghiệp niêm yết là áp dụng các báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS khi nâng hạng thị trường. Các doanh nghiệp niêm yết cần ý thức được việc ra sân chơi lớn quốc tế cần theo luật quốc tế, chứ không phải các tiêu chuẩn báo cáo tài chính như trước đây.

Thành Nguyễn thực hiện.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/minh-bach-thong-tin-doi-hoi-tu-2-phia-post354345.html