Mở rộng diện tích trồng cây ăn quả được chứng nhận VietGAP

Tiên Lữ

Đến nay, huyện Tiên Lữ đã chuyển đổi được trên 500ha sang trồng cây ăn quả, đã khẳng định hướng đi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường thì việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được coi là giải pháp quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, huyện tích cực tuyên truyền, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, kiểm tra, lựa chọn các vùng trồng cây ăn quả đủ điều kiện để tổ chức chứng nhận VietGAP. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác thành lập mới áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất. Tăng cường phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm giá trị, hiệu quả sản xuất. Huyện đã xây dựng Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2021- 2025.

Mô hình trồng thanh long đỏ được chứng nhận đạt VietGAP của gia đình anh Vũ Văn Chiến, xã Đức Thắng

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có trên 6,5ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP, nâng tổng diện tích cây ăn quả được chứng nhận VietGAP trên địa bàn huyện đạt trên 130ha, đạt gần 30% diện tích chuyển đổi, gồm 88,5ha nhãn; cây có múi hơn 36,4ha; còn lại là diện tích trồng thanh long và cây ăn quả khác. Hiện nay, 100% số diện tích trồng cây ăn quả được chứng nhận VietGAP của các HTX, tổ hợp tác, thuộc cácxã như: Ngô Quyền, Nhật Tân, Đức Thắng… Sau nhiều năm áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho thấy hiệu quả về năng suất, chất lượng và đầu ra ổn định của sản phẩm.

Tại HTX nông nghiệp sạch Duy Nhất, xã Thủ Sỹ, từ năm 2019 đến nay, các thành viên đã áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP. HTX có 13,5ha trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VieGAP, tăng 2ha so với năm 2019. Ông Đào Duy Nhất, Giám đốc HTX cho biết: Áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP đã giảm 30 - 40% chi phí đầu tư; chất lượng sản phẩm bảo đảm hơn; dễ tiêu thụ hơn... Nhờ đó, góp phần tăng doanh thu, thu nhập cho các thành viên. Năm 2021, doanh thu của HTX đạt trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Nhận thấy hiệu quả sản xuất theo quy trình VietGAP trong chăn nuôi, năm 2021, các thành viên của HTX dịch vụ chăn nuôi nông nghiệp xã Đức Thắng tiếp tục mở rộng, áp dụng quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt. Ông Đoàn Mạnh Hảo, thành viên HTX cho biết: Gia đình tôi có 1ha trồng cây thanh long đỏ. Trước đây chúng tôi trồng cây ăn quả theo kiểu mạnh ai người nấy làm, chủ yếu theo kinh nghiệm. Từ đầu năm 2021, khi áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, tôi được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tem mác, bao bì… nên chất lượng sản phẩm được nâng lên, đầu ra thuận lợi hơn rất nhiều. Nhờ tuân thủ đúng các quy định từ việc ghi chép quy trình chăm sóc đến việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên lợi nhuận sau vụ đầu tiên thu hoạch cao hơn 20 - 30% so với trồng theo phương pháp truyền thống. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã khẳng định được hướng phát triển bền vững, hiệu quả cao. Hiện mô hình trồng nhãn, vải cho thu nhập trung bình 200 - 250 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng cây có múi cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm…

Đồng chí Trần Văn Hạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP đã tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của người dân, giúp người sản xuất hiểu được trong sản xuất, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định doanh thu, lợi nhuận; bước đầu đã hình thành việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các diện tích trồng cây ăn quả được chứng nhận VietGAP hiện nay của huyện còn nhỏ lẻ, mới chỉ tập trung ở những diện tích sản xuất của hợp tác xã... Để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả được chứng nhận VietGAP, thời gian tới, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền người dân tích cực áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP gắn với xây dựng mô hình hợp tác xã và chương trình OCOP; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa…

Minh Hồng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202112/tien-lu-mo-rong-dien-tich-trong-cay-an-qua-duoc-chung-nhan-vietgap-bea2415/