Mở rộng tiếp cận giáo dục thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học
Hội thảo khởi động Dự án 'Mở rộng tiếp cận giáo dục thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học ở Việt Nam diễn ra chiều 10/12.
Hội thảo do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Theo Ban tổ chức, Dự án có sự tham gia của các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục, máy tính đến từ Vương quốc Anh (Đại học Birmingham City, Đại học Nottingham Trent) và Việt Nam (Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội).
Dự án sẽ phối hợp với các trường học và nhà giáo dục tại Việt Nam để cùng phát triển các hoạt động sư phạm, xây dựng nguồn lực để thử nghiệm các công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất.
Đây là dự án liên ngành nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam. Dự án tập trung vào việc phát triển các hoạt động cho giáo viên và học sinh từ nhiều khu vực khác nhau về việc sử dụng các công cụ Trí tuệ nhân tạo (AI) để giảng dạy và học tập.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, theo quyết định của Chính phủ Việt Nam phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020), công nghệ AI được áp dụng trong giáo dục ngày càng thường xuyên hơn trong thời gian gần đây.
Trên cơ sở đó, Dự án tập trung vào các trải nghiệm học tập, dựa trên nhu cầu của 6-8 trường phổ thông tại các vùng nông thôn lẫn thành thị tại Việt Nam với mục đích tìm hiểu quan điểm của giáo viên và học sinh về việc sử dụng AI trong giáo dục.
Điều này cũng dựa trên khuyến nghị của UNESCO (2019): “AI đang phát triển, đây là cơ hội để thu hút các bên liên quan trong giáo dục trong việc định hình việc sử dụng AI ngay từ giai đoạn đầu dựa trên quan điểm của các nhà giáo dục, người học và các nhà lãnh đạo giáo dục về phát triển bền vững và triển khai AI”.
Dự án áp dụng ba công cụ chuyên biệt là AI đàm thoại, mô hình ngôn ngữ lớn và hệ thống nhận dạng cảm xúc đa phương thức để thử nghiệm với giáo viên và học sinh tại sáu trường.
Dự án tập trung vào tính toàn diện - được coi là một trong những mục tiêu chính của chuyển đổi số trong giáo dục, ưu tiên cung cấp cho các trường học và học sinh ở vùng nông thôn quyền truy cập vào các công nghệ số mới nhất và phát triển khả năng đọc viết và năng lực số cho giáo viên và học sinh từ các nhóm giới tính khác nhau.
Các kết quả của Dự án “Mở rộng tiếp cận giáo dục thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học ở Việt Nam” sẽ được phát triển thành nguồn tài nguyên cho các nhà giáo dục và nhà nghiên cứu; đồng thời cung cấp thông tin về lộ trình và những khuyến nghị về phát triển bền vững công nghệ mới trong giáo dục.