Mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Nga sâu sắc đến mức nào?

Qua nhiều thập kỷ, hợp tác quân sự đã đóng vai trò then chốt trong quan hệ Trung – Nga, không chỉ củng cố liên kết ngoại giao mà còn giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về năng lực quốc phòng nhờ tiếp cận các loại vũ khí và công nghệ quân sự hiện đại từ Nga.

Một tàu của hải quân Nga tới Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tham gia cuộc tập trận chung "Joint Sea-2019" ngày 29/4/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Một tàu của hải quân Nga tới Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tham gia cuộc tập trận chung "Joint Sea-2019" ngày 29/4/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay, mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Nga luôn là chủ đề được quan tâm đặc biệt. Theo một bài phân tích (How Deep Are China-Russia Military Ties?) mới được công bố của các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS.org) có trụ sở tại Washington, D.C. (Mỹ), từ những ngày đầu khi Liên Xô viện trợ quân sự cho Trung Quốc, đến việc Nga trở thành nguồn cung vũ khí chủ chốt cho Bắc Kinh sau Chiến tranh Lạnh, giờ đây có một sự thay đổi động lực khi Trung Quốc dần vươn lên trở thành đối tác ngang hàng. Vậy, mối quan hệ này đã sâu sắc đến mức nào và đang phát triển theo hướng nào?

Lịch sử hợp tác

Lịch sử hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga có thể chia thành nhiều giai đoạn. Ban đầu, Liên Xô đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng năng lực quân sự của Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên (tháng 10/1950), Liên Xô đã cung cấp một lượng lớn thiết bị và hỗ trợ chuyên gia, bao gồm khoảng 700 máy bay chiến đấu MiG-15 và 150 máy bay ném bom hạng nhẹ Tu-2, giúp tăng gấp ba quy mô phi đội không quân của Trung Quốc.

Tổng cộng, viện trợ của Liên Xô trong chiến tranh được ước tính tương đương 1,5 – 2 tỷ USD. Đặc biệt, Liên Xô còn hỗ trợ Trung Quốc phát triển hạt nhân, từ đào tạo nhà khoa học đến cung cấp công nghệ làm giàu uranium và tái chế plutonium. Nhờ đó, Trung Quốc đã thành công phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 1990 đến 2005, Trung Quốc đã đặt hàng khoảng 270 máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 với chi phí khoảng 10-11 tỷ USD. Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã mua hơn 83% lượng vũ khí nhập khẩu từ Nga. Điều này giúp quân đội Trung Quốc (PLA) lấp đầy những khoảng trống về công nghệ và đẩy mạnh hiện đại hóa.

Thế nhưng, từ cuối những năm 2000, việc mua sắm vũ khí của Trung Quốc từ Nga bắt đầu chậm lại đáng kể. Tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 48% trong giai đoạn 2010-2024 so với 15 năm trước đó. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc vào động cơ máy bay do Nga sản xuất. Từ năm 2017 đến 2024, động cơ máy bay chiếm hơn một nửa lượng trang thiết bị quân sự nhập khẩu của Trung Quốc, phần lớn đến từ Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc đang nỗ lực thay thế động cơ Nga bằng các sản phẩm nội địa như WS-15, WS-13E và WS-19.

Gần đây, cuộc chiến ở Ukraine đã làm đảo lộn đáng kể động lực trên. Các lệnh trừng phạt từ phương tây đã khiến ngành công nghiệp quốc phòng Nga gặp khó khăn. Thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga đã giảm mạnh, từ gần 30% vào năm 2012 xuống chỉ còn 4,6% vào năm 2024. Ngược lại, Trung Quốc đã giành được thị phần tương đối, tăng trưởng ổn định từ năm 2020 đến 2023, đạt mức kỷ lục 8,4% vào năm 2023, dù sau đó giảm xuống 3,9% vào năm 2024.

Hiện tại, Nga đang ngày càng dựa vào năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc để duy trì ngành công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là các linh kiện và thiết bị lưỡng dụng như chất bán dẫn, thiết bị bay không người lái và công nghệ gây nhiễu. Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp máy công cụ điều khiển số bằng máy tính (CNC) lớn nhất của Nga, chiếm hơn 62% tổng lượng nhập khẩu của Nga. Sự phụ thuộc này có thể mang lại cho Bắc Kinh lợi thế lớn hơn trong việc tiếp cận các công nghệ quân sự tiên tiến mà Moskva vẫn còn ngần ngại chuyển giao.

Tập trận chung: Củng cố quan hệ và gửi tín hiệu răn đe

Các cuộc tập trận quân sự chung là một yếu tố mới mẻ và đang phát triển mạnh mẽ trong quan hệ Trung - Nga. Cuộc tập trận chung đầu tiên diễn ra vào năm 2003 (Liên minh 2003) và cuộc tập trận song phương đầu tiên vào năm 2005 (Sứ mệnh Hòa bình 2005). Từ đó đến tháng 7/2025, Trung Quốc và Nga đã tham gia ít nhất 113 cuộc tập trận quân sự chung, với hơn một nửa số này diễn ra kể từ năm 2019. Phạm vi địa lý của các cuộc tập trận cũng mở rộng đáng kể, từ Trung Á đến Biển Địa Trung Hải, Biển Bering, Biển Baltic và thậm chí cả Bắc Cực, cho thấy tham vọng chiến lược ngày càng tăng.

Các cuộc tập trận quân sự chung cũng giúp củng cố mối quan hệ song phương rộng lớn hơn bằng cách tạo điều kiện cho trao đổi ở nhiều cấp độ. Các chuyên gia Trung Quốc đánh giá cuộc tập trận Zapad/Interaction 2021 là một sự kiện độc đáo ở chỗ hai bên không chỉ cùng nhau tiến hành mà còn hợp tác trong việc lập kế hoạch và chỉ huy. Nhìn rộng hơn, các cuộc tập trận đã tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc gặp gỡ các đối tác Nga.

Hơn nữa, các cuộc tập trận còn tăng cường sự tin cậy và minh bạch lẫn nhau bằng cách tiết lộ năng lực của mỗi bên. Tại Zapad/Interaction 2021, hơn 80% thiết bị của Trung Quốc được sử dụng trong cuộc tập trận là mới - bao gồm máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không KJ-500, máy bay chiến đấu J-20 và J-16, máy bay vận tải Y-20, và thiết bị bay không người lái giám sát và chiến đấu của PLA - cho phép Nga xem xét một số hệ thống tiên tiến nhất của Trung Quốc.

Các cuộc tập trận chung còn mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc. Chúng giúp PLA tích lũy kinh nghiệm tác chiến với quân đội Nga giàu kinh nghiệm hơn, đồng thời thực hành diễn tập ở nhiều địa hình và khí hậu khác nhau. Quan trọng hơn, các cuộc tập trận này là một công cụ để gửi đi những tín hiệu chính trị và răn đe các đối thủ tiềm tàng, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh. Ví dụ, vào tháng 5/2022, Trung Quốc và Nga đã tiến hành một cuộc tuần tra chung trên không trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông, trùng với hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thuộc "Bộ Tứ" (Quad) tại Tokyo. Động thái này được nhiều người coi là một phản ứng trực tiếp và cố ý nhằm phản đối hội nghị thượng đỉnh.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/moi-quan-he-quan-su-giua-trung-quoc-va-nga-sau-sac-den-muc-nao-20250722100730368.htm