Mỗi tổ chức, cá nhân sẽ được cấp không quá 5 giấy phép thăm dò với một loại khoáng sản
Chính phủ sẽ quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đồng thời, mỗi tổ chức cá nhân được cấp tối đa 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực. Trường hợp cấp quá 5 giấy phép cho cùng 1 tổ chức phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản...
Đây là một trong những điểm mới của Luật Địa chất và Khoáng sản vừa được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024 và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025.
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý các quy định liên quan đối với loại khoáng sản này trong quy định về chính sách của Nhà nước, thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng, khai thác khoáng sản chiến lược, quan trọng; không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số khu vực khoáng sản chiến lược, quan trọng; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng.
Liên quan tới đấu giá quyền khai thác khoáng sản, luật vừa thông qua quy định khu vực không thực hiện đấu giá là khu vực khoáng sản được khoanh định để bảo đảm an ninh năng lượng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, sử dụng hiệu quả khoáng sản chiến lược, quan trọng; bảo đảm nguyên liệu, vật liệu cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Luật cũng quy định, không thực hiện đấu giá với việc khai thác khoáng sản bảo đảm nguyên liệu, vật liệu cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ở địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức thực hiện việc khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND cấp tỉnh.
Chính phủ sẽ quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Luật mới được Quốc hội thông qua cũng bổ sung quy định giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của khoáng sản cùng loại ở khu vực không đấu giá. Bước giá được xác định tối thiểu là 1% và tối đa là 10% giá khởi điểm.
Về nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, ông Huy cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ quy định đối với trường hợp tổ chức được cấp vượt quá 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến số lượng giấy phép thăm dò đối với khoáng sản năng lượng (than) cho Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung tại điểm h khoản 1: “Mỗi tổ chức, cá nhân được cấp không quá 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực. Trường hợp cấp quá 5 giấy phép cho cùng 01 tổ chức phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản”.
Về giấy phép khai thác khoáng sản, có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khoáng sản là tài sản công, việc thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có cách tiếp cận khác so với dự án đầu tư thông thường khác. Việc quy định thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhưng cần tính toán giảm thiểu các tác động không tích cực đến phát triển kinh tế xã hội.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giấy phép khai thác khoáng sản đều có thời hạn tối đa là 30 năm và được gia hạn một số năm. Quy định này cũng phù hợp với điều kiện thực tế là vòng đời của công nghệ khai thác khoáng sản sau 30 năm thường đã lạc hậu và cũng cần đầu tư đổi mới.
Dự thảo Luật đã quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, tổng cộng là 50 năm, bằng với thời gian thực hiện dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Trên thực tế, có nhiều dự án sau 10 năm đã hoàn thành việc khai thác, kết thúc dự án. Ngoài ra, dự thảo Luật quy định việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời gian khai thác khoáng sản (kể cả thời gian gia hạn) nhưng còn trữ lượng.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho được giữ quy định về thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản như tại điểm a khoản 4 Điều 56, đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo để bảo đảm thuận lợi, dễ dàng về thủ tục gia hạn giấy phép.
Đối với phương pháp xác định, phương thức thu, quyết toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có ý kiến đề nghị gộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên để tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực của Nhà nước và doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp cho Nhà nước để tiếp cận, khai thác, đưa khoáng sản ra khỏi lòng đất, chuyển từ tài nguyên quốc gia, tài sản thuộc sở hữu toàn dân thành tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức, cá nhân;
Bên cạnh đó tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên khác nhau về cơ chế xác định, việc thu, nộp và không trùng lắp thủ tục hành chính. Quy định tiền cấp quyền đối với tài nguyên khoáng sản thống nhất với pháp luật về tài nguyên nước. Trường hợp bỏ quy định thu tiền cấp quyền thì không có cơ sở tính giá khởi điểm khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Do vậy, dự thảo Luật tiếp tục quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và không gộp với thuế tài nguyên. Đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục nộp thuế, tiền cấp quyền để bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.