Món ngon truyền thống chờ đón du khách

Để đón khách khắp nơi du xuân trong dịp Tết cổ truyền, các nhà hàng ẩm thực truyền thống đã chuẩn bị thực đơn vô cùng hấp dẫn.

Giữa cái nắng khô đặc trưng của bầu trời cao nguyên, chị Ksor Jưn đang kiểm tra từng xiên thịt ba chỉ ướp kỹ gia vị truyền thống phơi trước khoảng sân đầy nắng của quán nghệ nhân Ksor Hnao (làng Kép, phường Đống Đa. TP. Pleiku). Sự hòa quyện của gia vị thảo mộc tự nhiên khiến từng xiên thịt dù chưa chế biến đã dậy hương vị, đánh thức mạnh mẽ vị giác con người. Chị Jưn cho biết, tranh thủ cái nắng những ngày cuối năm, chị và đội ngũ bếp ngày nào cũng làm thịt phơi 1 nắng để chuẩn bị thực đơn đón khách du xuân trong dịp Tết. “Năm nay do tình hình dịch bệnh nên quán chỉ chuẩn bị tinh thần phục vụ khoảng 50% công suất, vì vậy lượng thực phẩm cũng giảm hẳn so với mọi năm. Chúng tôi làm các món heo, nai, bò một nắng mỗi loại 30-50 kg chứ không dám làm nhiều. Riêng món gà nướng luôn đảm bảo đầy đủ nguồn cung cấp từ những hộ chăn nuôi trong làng”-chị Jưng nói.

Quán nghệ nhân Ksor Hnao chuẩn bị ẩm thực truyền thống phục vụ khách du xuân. Ảnh: Minh Châu

Quán nghệ nhân Ksor Hnao chuẩn bị ẩm thực truyền thống phục vụ khách du xuân. Ảnh: Minh Châu

Theo chị Jưn, đây không chỉ là món phục vụ khách tại chỗ mà khách có thể mua mang đi trên những nẻo đường du xuân để thưởng thức bất cứ khi nào. “Những món thịt một nắng chế biến khá đơn giản, chỉ cần nướng qua trên than hồng là đã có một món thực phẩm đặc sản thưởng thức cùng vài ống cơm lam. Hoặc có thể làm món nhâm nhi cùng ly rượu ngày xuân”-chị Jưn cho biết. Nhưng sẽ là một bản giao hưởng tuyệt vời nếu khách du xuân thưởng thức món ăn đậm hương vị này trong không gian văn hóa ẩm thực của quán. Kèm theo đó là các loại rau mùi, gia vị cùng ít nhất là gần 10 loại muối chấm truyền thống với đủ hương vị núi rừng. Màu sắc, mùi vị các loại muối chấm đủ làm phong phú bàn tiệc ẩm thực với muối lá é xanh thẫm, muối sả, muối kiến vàng sậm, muối ớt xanh, muối cỏ thơm… Các loại muối chấm đặc trưng góp phần làm dậy hương vị của ẩm thực truyền thống, đọng lại dư vị khó quên.

Ksor Jưn là con gái của nghệ nhân tài hoa Ksor Hnao. Chị luôn nỗ lực để giữ hương vị truyền thống món ăn bằng cách tìm hiểu, sưu tầm các loại gia vị tự nhiên được người bản địa sử dụng để tẩm ướp cho thực phẩm. “Các món thịt một nắng có mùi vị không thể trộn lẫn chính là nhờ ướp gia vị từ thiên nhiên ban tặng. Cách chế biến đơn giản, chú trọng hương vị nguyên bản của món ăn. Ví dụ như gà nướng xa lửa thì ít nhất cần 3 tiếng để gà chín đều từ ngoài vào trong, nếu chín nhanh hơn gà sẽ bị khô, không còn mềm ngon. Còn thịt heo ba chỉ một nắng ngon nhất là nấu với lá mì cà đắng. Đối với tôi, rau mì là loại ngon nhất trong các loại rau từng ăn. Nó có vị đậm đà, thơm đặc trưng không có loại rau nào sánh bằng. Khi chế biến để hợp khẩu vị với số đông khách hàng, chúng tôi giảm bớt vị cay, giảm vị cà đắng. Ngoài ra, quán có nhiều cách chế biến món heo ba chỉ, bò, nai một nắng để phục vụ thực khách. Khi ăn kèm thường có lá é, các loại rau thơm, ớt tươi… sẽ tăng hương vị cho món ăn”-chị Jưn cho biết.

Món ăn truyền thống hấp dẫn hơn khi ăn kèm lá é, rau gia vị và muối kiến vàng. Ảnh: Minh Châu

Món ăn truyền thống hấp dẫn hơn khi ăn kèm lá é, rau gia vị và muối kiến vàng. Ảnh: Minh Châu

Thưởng thức ẩm thực truyền thống “đúng nghĩa” là trong không gian riêng có của món ăn. Năm nào cũng đón lượng khách du xuân không nhỏ nên các nhà hàng ẩm thực truyền thống luôn sẵn sàng nguồn thực phẩm từ trước Tết cả tháng. Tuy không đòi hỏi nhiều về thay đổi thực đơn cho mới lạ, các nhà hàng ẩm thực chú trọng đến hương vị tươi ngon, cách chế biến độc đáo gợi cảm xúc cho thực khách. Các quán gà nướng Plit (39 Đào Duy Từ), Plei Têng (làng Têng, xã Tân Sơn) hay nhà hàng Tơ Nưng đều nằm trên cung du lịch phía Tây phố núi Pleiku với nhiều danh thắng nổi tiếng như Biển Hồ, núi lửa Chư Đang Ya, đập Tân Sơn, thủy điện Ia Ly. Đây cũng là những địa điểm ẩm thực được nhiều thực khách dừng chân trên nẻo đường du xuân dịp Tết. Chủ quán Plei Têng cho biết do dịch bệnh quán phải đóng cửa nhiều tháng và chỉ mới mở cửa phục vụ lại từ Tết Dương lịch đến nay nhưng khách luôn đông dịp cuối tuần. Món “đinh” của quán vẫn là gà nướng và những ống cơm gạo rẫy dẻo thơm. “Năm nào cũng vậy, dịp Tết lượng khách thường đông gấp nhiều lần ngày thường. Chúng tôi đã đặt mua gà từ những người nuôi trong làng và một số làng lân cận để chủ động thực phẩm trong trường hợp khách đông. Quán cũng chuẩn bị sẵn nguyên liệu làm các món nướng ống lồ ô. Đây là những món truyền thống bản địa khách rất yêu thích. Ngoài ra, với 10 nếp nhà sàn nằm trong khuôn viên rộng rãi, đảm bảo giãn cách khi lượng khách du xuân ghé quán quá đông”-chủ quán Plei Têng cho biết.

Thực đơn đặc biệt của các nhà hàng ẩm thực truyền thống còn phải kể đến những tiết mục văn nghệ, trình diễn cồng chiêng. Nếu tới quán Bazan của vợ chồng nghệ sĩ Ksor Thức-Ksor H’Hoanh hay quán H’Bla T’rưng của nữ nghệ sĩ Ksor Bla, ngoài ẩm thực truyền thống, khách du xuân còn được thưởng thức bữa tiệc âm nhạc lôi cuốn do những nghệ sĩ của núi rừng trình diễn.

MINH CHÂU

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8210/202201/mon-ngon-truyen-thong-cho-don-du-khach-5763958/