Món nợ vay nặng lãi và tiếng kêu xé lòng: 'Chạy đi con ơi!...'

'Chạy đi con ơi! Tụi nó có dao đó'. Quân nghe rất rõ tiếng kêu thất thần của mẹ nhưng anh vẫn cứ lao vào… Thế là anh đã về trời trong một buổi chiều đầy gió.

Đã mấy tháng trôi qua kể từ ngày con trai qua đời, bà Võ Ngọc Oanh (58 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) không đêm nào ngủ ngon giấc, không bữa nào ăn ngon miệng. Nỗi đau mất con của một bà mẹ là quá lớn nhưng với bà nó còn chồng thêm nỗi ân hận dằn vặt bởi ý nghĩ bà là nguyên nhân gây ra cái chết của con mình, vì bà mà nó phải đau đớn từ giã cuộc đời ở cái tuổi ba mươi.

Suốt ngày bà ủ rũ, giấu mình trong nhà để tránh cái nhìn gay gắt của họ hàng chòm xóm. Bà đau lòng và ái ngại trước lời những lời thị phi kiểu: “Cũng tại bả gây nợ nần nên “thằng nhỏ” mới bị người ta đâm chết”.

Món nợ tiền mà bà trót vay dẫn đến kết quả bi thảm kia, bắt nguồn từ một món nợ tình. Mấy tháng trước, em gái bà lâm trọng bệnh phải nhập viện, số tiền viện phí 70 triệu đồng đối với em gái là rất lớn. Bà cũng nghèo quá. Nghĩ đến câu anh em như thể tay chân, nghĩ tới những ngày hai chị em cùng lớn lên bên nhau với biết bao nhiêu là kỷ niệm, nghĩ tới tình cốt nhục… bà thương em rớt nước mắt, ngó lơ không đành. Nhưng làm sao giúp nó thì bà không nghĩ ra.

Trong lúc bí bách, thông qua lời giới thiệu của người quen, biết nhóm Vũ Xuân Minh (23 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) chuyên cho vay ăn lời “cắt cổ”, nhưng bà vẫn nhắm mắt, giấu chồng con, đánh liều đi vay mong giúp được đồng nào đỡ cho em đồng đó. Ngày 4/10/2018, bà Oanh tìm đến Minh vay 5 triệu đồng với phương thức trả góp 250.000 đồng/ngày - cả gốc lẫn lãi”. Nói vay 5 triệu nhưng thực chất, bà chỉ cầm có 3,7 triệu đồng vì phải để lại cho bọn chúng 500 ngàn tiền phí, 500 ngàn tiền cọc, 300 ngàn trả cho người giới thiệu rồi.

So với số tiền viện phí thì bao nhiêu đó chỉ như muối bỏ bễ. Bà lại tiếp tục vay thêm mấy lần 5 triệu như thế nữa. Thế là “lãi mẹ đẻ lãi con”, không còn khả năng chi trả. Bà Oanh xin khất nợ, nhóm Minh không đồng ý. Lời qua tiếng lại, cãi vã, mâu thuẫn nhau.

Không đủ kiên nhẫn, nhóm cho vay “cắt cổ” Vũ Xuân Minh chốt hạ quyết liệt bằng một cuộc hẹn. Hắn nhắn tin cho bà Oanh hẹn ra quán nước, đòi gặp cả chồng bà để “lật ngửa ván bài”. Cái câu “đừng vì tiền mà đổ máu” trong tin nhắn của Minh khiến bà Oanh hoảng hốt. Không còn cách chọn lựa, bà Oanh đành thú thật với chồng để cầu cứu. Mặc dù rất giận vợ đã “qua mặt” mình, nhưng trong cơn lửa bỏng dầu sôi, ông bình tĩnh cùng bà ra phường báo công an, sau đó ông về nhà trước, còn bà ra quán nước ở hẻm 543 Nguyễn Đình Chiểu gặp nhóm Minh với ý định thương lượng.

Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo tại phiên tòa

Ông về đến nhà gặp lúc con trai là anh Nguyễn Minh Quân đang cơm ăn. Nghe cha thuật lại câu chuyện và biết mẹ đang hẹn gặp bọn cho vay, linh tính chẳng lành, Quân buông tô cơm, chạy đi tìm mẹ. Vừa ra đến đầu ngõ, Quân thấy mẹ đang bị người ta rượt chạy. Bà Oanh cũng nhác thấy bóng con, bà vừa chạy vừa la lớn “Quân! chạy đi con, nó cầm dao đó...”. Mặc tiếng mẹ kêu la, trong cái phút sinh tử ấy, trong lòng Quân chỉ nghĩ đến sự an nguy của mẹ. Anh lao đến, cũng vừa lúc đám người kia bén gót, Quân xô mẹ ra thay bà lãnh một nhát dao chí mạng.

Hình ảnh ấy ám ảnh tâm trí bà Oanh không một giây phút nào buông bỏ cho đến tận lúc ngồi tham dự phiên tòa, khi nghe bản cáo trạng mô tả lại cảnh bị cáo đâm nhát dao đoạt mạng con mình bà Oanh không còn sức chịu đựng, bà ngất xỉu tại chỗ khiến lực lượng y tế phải hỗ trợ người nhà dìu bà ra khỏi phòng xử án.

Làm sao bà có thể bình tĩnh được khi Quân là thằng con trai duy nhất, tuy không mang nặng đẻ đau nhưng bà đã chăm bẵm thương yêu từ khi nó còn đỏ hỏn. Ba mươi năm trước, trong lúc hai vợ chồng đứng đợi xe thì bà Oanh phát hiện một đứa trẻ sơ sinh được gói trong một cái khăn len nằm lăn lóc bên vệ đường. Hai vợ chồng bà ôm nó về nuôi. Nhà nghèo, bà lấy quần áo cũ lót ổ cho con nằm, nhịn ăn nhịn mặc nuôi con. Từ khi có Quân, căn nhà nhỏ luôn rộn rã tiếng cười, luôn tràn trề hạnh phúc. Ba mươi năm, bà dành trọn tuổi thanh xuân cho con, đôi lúc bà Oanh không còn nhớ nó là đứa con bà lượm được. Mà cho dù là con ruột, đứa có hiếu như Quân cũng không phải dễ tìm.

Hồi Quân học cấp 2, có lần bà Oanh mổ tim nằm viện, nó vừa phụ chăm mẹ, vừa đi học, vừa lén đi bán vé số kiếm tiền mua thức ăn bồi bổ cho mẹ. Học hết lớp 12, biết cảnh nhà nghèo, Quân nghỉ học đi làm kiếm tiền. Công việc đi giao hoa thuê không được bao nhiêu tiền, Quân phải tằn tiện lắm mới dành dụm chút đỉnh phụ giúp cha mẹ.

Khi Quân lớn lên một chút, trong một lần tình cờ biết được mình là con nuôi. Quân bảo: “Mẹ không có sanh ra con nhưng mẹ có công nuôi con tới lớn, con không bao giờ bỏ mẹ đâu. Mẹ già, con mà đổi mạng cho mẹ sống con cũng đổi”. Câu nói tình cờ cửa miệng không ngờ trùng hợp như một định mệnh an bài. Mỗi lần nhớ tới, bà Oanh đau như ai lấy dao đoạn ruột mình ra từng khúc.

Giá như hôm ấy nó đừng lao ra đỡ cho bà nhát dao chí mạng ấy. Giá như bà đừng dây vào bọn cho vay nặng lãi. Giá như bà thú thật với chồng con để họ cùng trợ sức với bà. Cuối cùng bà ước chi người lãnh nhát dao đó là bà còn hơn. Sống mà dày vò tâm trí, ân hận đeo mang không biết đến bao giờ thì sống không bằng chết.

Ngồi nghe Tòa tuyên án phạt bị cáo Vũ Xuân Minh chung thân và một số đồng bọn với mức án tương ứng, bà Oanh không có phản ứng gì. Với bà bây giờ tất cả đều vô nghĩa. Còn với những ai chứng kiến câu chuyện thì thật tình cũng khó lòng tách bạch rõ ràng nguồn cơn. Một người con vô tội chỉ vì nhận lãnh thay mẹ một nhát dao mà vĩnh viễn ra đi, một người mẹ biết món nợ vay “lãi khủng” mà vẫn lao vào để rồi bị nhấn chìm trong “guồng quay” lãi chồng lãi không lối thoát, một bọn người kinh doanh đồng tiền bất nhân, trở thành sát thủ trong khi đang tuổi thanh niên sức dài vai rộng…

Ai mới thật sự là nguyên nhân gây ra thảm kịch? Không chỉ là bản án đích đáng cho kẻ sát nhân, câu chuyện còn là bài học để nhiều người suy ngẫm.

Vân Nhi

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/mon-no-vay-nang-lai-va-tieng-keu-xe-long-chay-di-con-oi-24602.html