Một cách làm đúng

Nhiều trường học ở Hà Nội đã ưu tiên tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong tháng đầu của năm học mới, nhất là khi học sinh đi học trở lại sau bão Yagi.

Đây là việc làm cần thiết, phù hợp với thực tế cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội.

Nhiều năm trở lại đây, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm đẩy mạnh. Hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, đưa trò chơi dân gian vào trường học, giáo dục di sản văn hóa, lịch sử… đã trở thành chương trình sinh hoạt cả chính khóa và ngoại khóa của học sinh.

Trong văn bản gửi các cơ sở giáo dục về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các đơn vị xây dựng kế hoạch tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống trong các cấp học trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Cùng với đó, đẩy mạnh giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng trường học xanh - vì một Hà Nội xanh; thành lập các câu lạc bộ theo sở thích, tài năng trong các nhà trường; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm và khuyến khích học sinh tham gia nhằm phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống, tạo môi trường tốt cho học sinh nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ…

Năm học 2024 - 2025 khác các năm học trước ở chỗ, ngay đầu năm học, các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng phải hứng chịu cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương, trong đó có ngành giáo dục Hà Nội. Có thời điểm, trên địa bàn TP có gần 170 trường không thể tổ chức học trực tiếp do ngập úng; học sinh chuyển trạng thái học online; có em phải đi ở nhờ, học nhờ; cuộc sống, sinh hoạt và học tập bị xáo trộn gần 3 tuần liên tiếp. Chính bởi vậy, ngay khi các em trở lại trường, cùng việc thiết lập nền nếp trường lớp thì hoạt động tăng cường kỹ năng sống cho học sinh càng được chú trọng.

Các hoạt động giáo dục kỹ năng đưa vào trường học rất đa dạng, phong phú với nhiều hình thức, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh và điều kiện của từng nhà trường. Có trường tổ chức hoạt động vẽ tranh về đề tài bảo vệ môi trường; cho học sinh đi xem kịch; sân khấu hóa tác phẩm văn học; tái hiện lễ chào cờ lịch sử; sinh hoạt chuyên đề; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; ký kết hợp tác trong phòng, chống tác hại rượu, bia, thuốc lá; phòng, chống ma túy; phòng chống bạo lực học đường; bảo đảm an toàn giao thông… Những hoạt động này giúp cả thầy và trò được giao lưu, học hỏi và thu nhận nhiều kiến thức bổ ích; đồng thời tăng động lực dạy và học.

Rõ ràng, trong cuộc sống đô thị hiện đại, với sự bùng nổ của mạng xã hội, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là nội dung quan trọng. Bản thân các em cũng hiểu rằng, học tập giờ đây không chỉ là thu nhận kiến thức từ sách vở, từ thầy cô mà còn ở hoạt động ngoại khóa. Những bài học về cuộc sống qua từng ngày sẽ giúp các em có thêm những hiểu biết mới, từ đó liên kết với những kiến thức đã học để tạo nên phông tri thức vững chắc.

Luôn ưu tiên, khuyến khích, đẩy mạnh và tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhưng Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh yêu cầu trọng yếu, đó là quá trình triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa, các đơn vị cần chú ý tăng cường biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích; các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trưởng phải bảo đảm tuyêt đối an toàn. Có như vậy, hoạt động giáo dục kỹ năng sống mới đạt được mục tiêu đề ra, đó là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện cho học sinh.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mot-cach-lam-dung.html