Một chú cá voi thất tình lang thang qua 3 đại dương khiến giới khoa học sửng sốt

Một chú cá voi lưng gù đã thực hiện một hành trình phi thường từ Nam Mỹ đến Châu Phi — di chuyển hơn 13.046 km, đánh dấu cuộc di cư dài nhất được ghi nhận đối với một cá voi đơn lẻ.

Chú cá voi lưng gù này lần đầu tiên được phát hiện ngoài khơi bờ biển Colombia vào năm 2013 và được nhìn thấy lại vài năm sau đó không xa vị trí ban đầu của nó. Nhưng vào năm 2022, chú cá voi này bất ngờ được phát hiện ở Ấn Độ Dương gần Zanzibar, ngoài khơi bờ biển Đông Phi.

Lộ trình di cư điển hình của chú cá voi lưng gù có thể vượt quá 8.000 km theo một hướng duy nhất. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science hôm 11.12, hành trình của nó dài gần gấp đôi so với hầu hết các loài cá voi.

Đồng tác giả nghiên cứu Ted Cheeseman, một nhà sinh vật học biển tại Đại học Southern Cross ở Úc, cho biết: “Loài động vật này sống thành những cá thể riêng biệt và chúng sẽ làm những điều đáng ngạc nhiên. Các đại dương này là không gian rất kết nối và cá voi có thể di chuyển vượt mọi ranh giới”.

Để theo dõi các hành trình di chuyển của cá voi, các tác giả nghiên cứu đã sử dụng một nền tảng có tên là Happy Whale, do Cheeseman đồng sáng lập. Nền tảng này cho phép các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và người quan sát cá voi nói chung chia sẻ ảnh về những lần họ nhìn thấy cá voi.

Một hành trình khác thường

Cá voi lưng gù sống ở các đại dương trên khắp thế giới và được biết đến là loài có thể thực hiện một số cuộc di cư dài nhất trong số các loài động vật có vú. Thế nhưng, hành trình của chú cá voi vừa lập kỷ lục còn đặc biệt hơn vì nó di chuyển giữa hai vùng sinh sản.

Cá voi lưng gù thường quay trở lại các địa điểm sinh sản cụ thể mỗi năm và các quần thể cá voi có xu hướng khác biệt về mặt địa lý. Ví dụ, một trong những quần thể cá voi lưng gù ở Bắc Thái Bình Dương di cư để kiếm ăn ở vùng biển quanh Alaska vào mùa hè và dành mùa đông ở vùng biển quanh Quần đảo Hawaii để sinh sản, sinh con và nuôi con non. Trong khi đó, hai quần thể ở Bắc Đại Tây Dương kiếm ăn từ Vịnh Maine đến Na Uy và di cư đến vùng biển Tây Ấn và Cape Verde ngoài khơi bờ biển châu Phi vào mùa đông.

Tuy nhiên, chú cá voi vừa lập kỷ lục đã di cư giữa hai đàn có địa bàn sinh sản riêng biệt ở các đại dương khác nhau.

Chú cá voi lưng gù này đã di chuyển từ phía đông nam Thái Bình Dương qua nam Đại Tây Dương để tới phía tây nam Ấn Độ Dương

Chú cá voi lưng gù này đã di chuyển từ phía đông nam Thái Bình Dương qua nam Đại Tây Dương để tới phía tây nam Ấn Độ Dương

Ari Friedlaender là Giáo sư khoa học đại dương tại Đại học California, Santa Cruz và không tham gia vào nghiên cứu. Giáo sư Friedlaender cho biết: "Suy nghĩ cố hữu của chúng tôi là cá voi luôn đi đến nơi chúng đã nhắm trước”, đồng thời tin rằng “phải có lý do nào đó mà nó đi theo một con đường khác".

Theo Cheeseman, cá voi lưng gù có khả năng định hướng với độ chính xác đáng kinh ngạc và vì chú cá voi vừa lập kỷ lục không phải là cá con nên ta có thể loại trừ khả năng nó bơi ra khỏi vùng sinh sản của mình vì mất phương hướng.

Thay vào đó, Cheeseman cho rằng các yếu tố xã hội hoặc môi trường đã thúc đẩy cuộc di cư này. Theo Cheeseman, chú cá voi này có khả năng đã cạnh tranh với các con đực khác để giành bạn tình ở Colombia. Sau khi thất bại, nó đã đi lang thang để tìm kiếm một môi trường đỡ cạnh tranh hơn. Ông cũng cho rằng tình trạng thiếu thức ăn trong khu vực có thể đã đóng một vai trò trong cuộc di cư bất thường này.

Cách theo dõi cá voi lưng gù

Làm thế nào để theo dõi một chú cá voi. Mỗi con cá voi đều có một "mã định danh" riêng dựa trên mặt dưới của đuôi giống như vân tay của con người, giúp các nhà nghiên cứu theo dõi cá voi có thể phân biệt được chúng. Cheeseman cho biết: "Khi cá voi lặn, chúng nhấc đuôi lên để chúi đầu xuống nước và bất kỳ ai chụp ảnh đuôi của chúng đều có thể ghi lại danh tính của con vật".

Cá voi lưng gù thường hoạt động đơn lẻ

Cá voi lưng gù thường hoạt động đơn lẻ

Mặc dù kỹ thuật nhận dạng này đã được sử dụng từ những năm 1970, nhưng nền tảng Happy Whale còn có nâng cấp ưu việt hơn. Ứng dụng này cho phép các nhà nghiên cứu và mọi người nói chung đều có thể đóng góp vào danh mục toàn cầu về cá voi, mở đường cho sự hợp tác quốc tế. Theo Cheeseman, cơ sở dữ liệu hiện chứa dữ liệu khoảng 109.000 cá voi riêng lẻ.

Cho đến khi phát hiện ra chú cá voi hay lang thang này lần nữa, nơi ở chính xác của nó vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, hệ thống của Happy Whale cho phép theo dõi liên tục các loài cá voi, điều này có thể cung cấp thêm thông tin chi tiết về các lộ trình di cư hiện tại và tương lai.

Tương lai của hiện tượng cá voi di cư

Theo Cheeseman, hoạt động săn bắt cá voi vào thế kỷ 20 đã giết chết gần 95% đến 99% quần thể cá voi lưng gù ở Ấn Độ Dương. Do đó, còn rất ít thông tin về hành vi và cuộc sống của cá voi lưng gù ở khu vực đó.

Nhờ nỗ lực bảo vệ sau này, quần thể cá voi lưng gù đã trở lại Ấn Độ Dương nhiều hơn. Với sự thống trị của lớp cá voi lưng gù mới ở Ấn Độ Dương, quần thể và văn hóa của cá voi trong khu vực đang trải qua một sự chuyển đổi lớn. Điều này cũng không khác với xã hội loài người khi làn sóng nhập cư tạo ra giao thoa văn hóa.

Khi một chú cá voi lưng gù — chẳng hạn như con đực vừa phá kỷ lục di cư ra khỏi các lộ trình thông thường, không chắc chắn liệu nó có được những con khác ở vùng sinh sản mới chấp nhận hay từ chối 'dân nhập cư'.

Tuy nhiên, nếu các trường hợp ngoại lệ như chú cá voi lang thang trên vẫn tiếp diễn trở thành trào lưu, Cheeseman cho rằng cá voi lưng gù có thể học theo các hành vi từ các quần thể khác. Friedlaender cho biết "Những hành trình khác thường này có thể kết nối các quần thể mà nếu không phát hiện ra chuyện này thì chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ rằng cá voi lưng gù sẽ liên lạc với nhau để chia sẻ thông tin. Chúng đồng thời cũng trao đổi gien giúp các quần thể này trở thành một 'cộng đồng toàn cầu' hơn".

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mot-chu-ca-voi-that-tinh-lang-thang-qua-3-dai-duong-khien-gioi-khoa-hoc-sung-sot-227095.html