Một số nước rục rịch tăng lãi suất theo FED và sức ép tiền tệ trong nước

Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào cuối tháng 7 vừa qua thì nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng có động thái tăng lãi suất và xu hướng này có thể ít nhiều tạo sức ép lên thị trường tiền tệ trong nước.

Nhiều quốc gia rục rịch tăng lãi suất

Cuối tháng 7 vừa qua, FED đã tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, theo đó cùng với đợt tăng lãi suất hồi tháng 6, FED tăng thêm tổng cộng 1,5 điểm phần trăm. Đây cũng là mức tăng lãi suất mạnh nhất kể từ đầu thập niên 1980.

Việc FED tăng lãi suất trong những lần trước cũng như trong lần tăng lãi suất lần này đã gây tác động khá lớn tới dòng vốn đầu tư cũng như tỷ giá của đồng USD so với các đồng tiền khác trên thế giới. Ông Lê Thành Hòa - Chuyên gia phân tích thuộc Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, việc tăng lãi suất của FED ít nhiều có thể có những tác động lên dòng tiền do nhà đầu tư tài chính có xu hướng chuyển các khoản đầu từ các nước khác về đầu tư vào thị trường tài chính Mỹ. Xu hướng này cũng có thể khiến cho đồng USD tăng giá so với các đồng tiền của quốc gia khác. Thực tế cho thấy, đồng USD đã tăng giá so với rất nhiều đồng tiền chủ chốt ở khu vực châu Á như Nhân dân tệ của Trung Quốc, Won Hàn Quốc, Bath Thái Lan, Yên Nhật Bản… Đồng Euro trước đây giá cao hơn khá nhiều so với USD nhưng hiện cũng chỉ còn ở mức xấp xỉ so với USD.

Nguồn: Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ.

Nguồn: Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ.

Theo đó để bảo vệ đồng tiền của quốc gia mình, cũng như hạn chế động thái rút vốn của các nhà đầu tư quốc tế, nhiều quốc gia cũng phải xem xét việc tăng lãi suất đối với đồng tiền của họ. Thực tế sau khi FED công bố đợt tăng lãi suất gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng khuyến cáo nhiều nước nhanh chóng tăng lãi suất để đối phó với áp lực lạm phát.

Sức ép tăng lãi suất tại khu vực châu Âu cũng khá lớn, đặc biệt lạm phát khu vực này vào tháng 7/2022 đã lên tới 8,9% so với một năm trước. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra lộ trình, sau lần tăng đầu tiên tháng 7, lần tăng tiếp sẽ vào tháng 9. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ đẩy nhanh hành động chống lạm phát khi ngân hàng này điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phẩn trăm.

Sức ép tiền tệ trong nước

Phần lớn các quốc gia trên thế giới chịu sức ép tăng lãi suất do phải đối mặt với tình hình lạm phát. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng có nhiều điểm khác biệt, thực tế lạm phát tại Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn ở mức vừa phải. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI đến hết tháng 7 đã tăng 3,59% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,14%.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, sức ép lạm phát từ các nước khác trên thế giới khiến cho nguy cơ nhập khẩu lạm phát là khá rõ ràng bởi nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu Việt Nam từ các nước khác là khá lớn. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước hiện cũng chưa có động thái sẽ tăng lãi suất điều hành. TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh để vẫn giữ được lãi suất đầu ra ổn định thì ngành Ngân hàng sẽ phải cần kiểm soát rất chặt chẽ tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, một số giải pháp đồng bộ khác cũng cần phải thực thi, trong đó có việc điều phối tốt thanh khoản của hệ thống ngân hàng, điều hòa linh hoạt thị trường mở và thị trường liên ngân hàng…

Mặc dù hiện tại chưa có thông điệp gì từ phía Ngân hàng Nhà nước về việc sẽ tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng không phát đi tín hiệu tăng lãi suất cho vay với khách hàng, nhưng tín hiệu tăng lãi suất huy động đang ngày càng rõ ràng hơn.

4 lần giảm giá xăng liên tiếp, áp lực giá cả giải tỏa phần nào

Sức ép lạm phát tuy vẫn còn nhưng việc điều chỉnh giảm giá xăng liên tiếp thời gian gần đây đã giảm bớt đáng kể sức ép lạm phát trong thời gian tới. Đầu tháng 8/2022, mỗi lít xăng giảm thêm gần 500 đồng, các mặt hàng dầu cũng hạ 710 đến 950 đồng (trừ dầu mazut). Sau lần điều chỉnh giá xăng dầu gần đây, mỗi lít xăng RON 95 giảm về mức 25.600 đồng (giảm 470 đồng); E5 RON 92 có giá mới là 24.620 đồng (giảm 450 đồng). Đây là lần giảm giá thứ tư liên tiếp từ cuối tháng 6 đến nay, đưa giá mặt hàng này về tương đương hồi tháng 2/2022.

Trong tháng 7 và đầu tháng 8/2022, nhiều ngân hàng đã công bố bảng lãi suất huy động mới với mức lãi suất tăng từ 0,5 đến 0,6 điểm phần trăm so với mức cũ trước đây.

Hiện tại, Ngân hàng Xây dựng (CBBank) đang dẫn đầu về mức lãi suất huy động tiền gửi onlines kỳ hạn 12 tháng với 7,5%/năm. Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất khá cao đối với kỳ hạn này là Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) với 7,2%/năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 7,3%/năm… Đối với kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng onlines, SCB đang dẫn với mức lãi suất là 7,55% cho cả 2 kỳ hạn này. Tiếp đến, Nam A Bank đang có mức 7,4% cho cả 2 kỳ hạn này, tiếp đến là Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kien Long Bank) với lãi suất 7,05%, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank) và Bac A Bank đều có mức lãi suất 7% ở 2 kỳ hạn này.

Trong khi đó, lãi suất trái phiếu cũng đang có xu hướng nhích tăng. Theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong tháng 7, lãi suất huy động trái phiếu chính phủ có mức tăng 0,05 - 0,10%/năm so với cuối tháng 6/2022.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/mot-so-nuoc-ruc-rich-tang-lai-suat-theo-fed-va-suc-ep-tien-te-trong-nuoc-110086-110086.html