Một thời đi học

Tôi là người hay sống bằng ký ức. Ký ức lúc u hoài âm thầm xa lắc, lúc xốn xang tươi rói như vừa mới hôm qua, có một thời đi học mãi mãi không quên; thỉnh thoảng xôn xao trở lại.

Học sinh đội mũ rơm đi học nơi sơ tán. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Học sinh đội mũ rơm đi học nơi sơ tán. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày đầu gánh đất dựng trường
Tháng 8 năm 1971, từ một trường cấp 3 Tạ Uyên của cả huyện Yên Mô đóng ở Yên Phong tách ra làm 2 trường: Trường phía bắc huyện dời lên gần ngã ba Ngò vẫn mang tên Trường cấp 3 Tạ Uyên. Còn phía nam huyện mang tên Trường cấp 3B Yên Mô của chúng tôi dời xuống bãi đất chợ Tiên Nông-xã Yên Mạc.

Trường mới thành lập cái gì cũng thiếu. Một bãi cỏ hoang. Một cây đề cổ thụ xanh lá. Lớp học làm bằng tranh tre nứa lá. Mỗi học sinh góp 30 vỉ tranh lợp mái; gỗ làm cột kèo và luồng thì hình như của huyện cấp. Thầy trò chúng tôi đào đất đắp nền rộng ra thì được thêm cái ao; cái ao này càng ngày càng to, bởi học sinh các khóa sau tiếp tục đào đất vượt nền. Bọn học trò đều xuất thân nhà nông - bố đi cày mẹ đi cấy, anh đi đánh dậm, chị đi bắt cua; tiếng là con nhà lực điền nhưng đứa nào cũng: Gầy. Yếu. Lẻo khoẻo. Mặt xanh rớt như lá mùng tơi. Cả làng đói. Cả nước đói. Dạo ấy, cả miền Bắc đói. Gánh đất san nền lớp học mà có đứa đói quá mặt tái nhợt ngất xỉu, sảo đất đổ ụp lên chân lên bụng.

Sau này, vào bộ đội đi khắp các nẻo đường đất nước, lang thang ở những cánh rừng Cam Pu Chia, tôi vẫn cứ ám ảnh, nhớ cái vách đất lớp 8B ngày xưa. Tre tươi được chẻ ra to bằng ngón tay buộc ô vuông cỡ khoảng 8x8 cm làm cốt; rơm vàng khô bỏ vào đất bùn đạp chân cho đều, nhuyễn. Những "bàn chân đàn bà Giao Chỉ" cần mẫn chăm dẵm bùn rơm ì oẹt, rồi họ bốc từng nắm trét vào các ô vuông cốt tre và xoa nhẵn bên trong bên ngoài. Mấy tuần sau, chờ vách đất lớp học khô mới quét vôi trắng. Phụ huynh, thầy trò kẽo kẹt khoảng hơn một tháng thì cũng làm xong hai dãy phòng học mái tranh, nền đất, vách trát đất. Hai dãy nhà tranh mộc mạc, đơn sơ âm thầm đổ bóng từ đó như một chứng nhân lịch sử.

Đội mũ rơm đi học nơi sơ tán

Vào đầu năm học lớp 9 đang yên lành thì Mỹ tuyên bố mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Những tháng cuối năm 1972, thầy trò phải rời trường cũ đi sơ tán ở các xóm làng ở xã Yên Mạc, Yên Mỹ. Lớp chúng tôi sơ tán về làng Yên Mô Càn. Lớp học nửa chìm nửa nổi, đất đắp ụ xung quanh dầy hơn một mét như ụ pháo phòng không 57 ly. Mái lợp tranh, nhưng trần gác đầy rơm đã bó lại từng đon để chống bom bi. Bốn cửa lớp ở bốn phía nối với giao thông hào ngoằn ngoèo về 8 cái hầm chữ A.

Nhưng để được cái lớp học nửa chìm nửa nổi này là cả một nỗi nhọc nhằn khổ ải trần ai. Lại mỗi em 1 cây tre, ba chục cái vỉ tranh. Làng Côi Trì quê tôi toàn đồng trũng, muốn cắt cỏ tranh thì phải qua Bồ Xuyên, qua eo Bát lên đồi Dài. Dạo đó, eo Bát chưa bạt đồi mở đường; đá lớp đá hòn cập kênh và lau lách quật tới tấp vào mặt, đi ngược chiều phải né vai tránh nhau. Buổi sáng đi bộ, vác đòn càn cầm liềm cắt xong phơi cỏ tranh; trưa ăn cơm nắm muối vừng, nhìn hai bàn tay cỏ lá tranh cứa chi chít vết rớm máu. Nghỉ một lát, cỏ tranh tái tái rồi bó thành bó gánh về nhà. Hôm sau, phải phơi vài ba nắng cho khô nỏ, tranh xám vàng và thơm mùi ngai ngái thì mới đem hom tre đã chẻ từ trước ra đánh thành từng vỉ.

Hầm trú ẩn làm bằng tre tươi; từng vì kèo tre choạc ra hình chữ A. Đang học, nghe tiếng kẻng báo động, thầy giáo ngừng giảng cho học trò chạy ra hầm. Dù đã được tập theo phương án tổ nào chạy ra đường nào, em nào chạy trước em nào sau; nhưng vì sợ hãi, thần hồn nát thần tính, đứa nào cũng muốn ẩn nấp trước nên có lần túa tùa lua mạnh ai nấy chạy bình bịch theo đường hào. Thảng hoặc có đứa va đầu vào mấu cột tre tươi ở hầm chảy máu hoặc sưng vêu trán to như quả găng.

Chúng tôi đội mũ rơm đi học đường dài. Trăm ngàn nỗi lo, lo đi trâu không ăn lúa hợp tác, lo tát múc thêm con cua con cá để đến bữa ăn gánh đỡ phần cơm độn khoai độn sắn, lo học bài để thầy cô không quở phạt; nhưng nỗi ám ảnh rợn người nhất là lúc qua cầu Bút, chỉ sợ bom Mỹ thả. Tim cứ đập thon thót. Bọn con trai thì ù té chạy hoặc phi xe đạp cho nhanh. Bọn con gái thì lạch bạch chạy chậm như vịt bầu đang tháng đẻ. Thở hổn hển. Trống ngực to hơn trống làng. Mặt tái mét. Có hôm đang chạy trên cầu Bút thì máy bay "con ma", "thần sấm" rẹt qua đầu; cứ tưởng bom Mỹ rơi xuống rồi, càng chạy nhanh; lúc hết máy bay dừng lại có đứa sợ quá đái ra quần, ướt sũng.

Chúng tôi đi học trong tầm bom phá, bom bi giặc Mỹ. Bom thả xuống cầu Bút. Bom đánh vào xóm 3 rơi ngay góc ao nhà cô tôi, những viên bi bắn tung tóe, ba đứa em trong hầm cũng bị những mảnh bi tàn nhẫn ghim vào người, máu chảy ướt đẫm; mãi mãi các em tôi không còn cơ hội đến trường. Trang giấy trắng, tập sách lỗ trỗ vết những mảnh bi hình củ ấu, ba chạc, những viên bi tròn nhỏ xíu, và đẫm máu đỏ tươi.

Vậy mà, dưới nhà hầm nửa chìm nửa nổi, ánh sáng lòa nhòa, chúng tôi vẫn say sưa học những tang..., những cos..., Di truyền và biến dị, Dòng điện xoay chiều, Cảm ứng điện từ, học giảng văn Con chị Lộc của Xuân Thiều, Tuy Kiền của Nguyễn Khải, Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn… Tôi cũng bắt đầu đọc Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu từ những năm tháng ấy. Với đầu óc non nớt của cậu học trò trường huyện, dù sức tưởng tượng phong phú bay bổng bao nhiêu, tôi cũng không nghĩ được rằng: hơn hai mươi năm sau tôi đã được về công tác ở tòa soạn nơi các ông đã sống và viết. Cũng có lúc mơ mộng nghĩ đến cổng trường đại học, nhưng nó xa vời. Vì cả làng tôi, trai tráng ra trận hết, xóm thôn toàn ông bà già, đàn bà và trẻ con. Chúng tôi chỉ biết nghĩ: Học và chờ ngày lên đường cầm súng. Lớp tôi, lác đác lại có vài ba học trò nhập ngũ, rồi số người ra trận cứ dầy thêm; mới hôm trước còn ngồi bên cạnh, tranh nhau chỗ sát cửa sổ nhiều ánh sáng và dễ nói chuyện riêng thì ngày hôm sau chỗ bạn tôi ngồi đã trống hoác. Buồn nao nao. Bần thần cả tiết học.

Những ngày hòa bình đầu tiên

Chiến tranh. Giặc giã. Bom đạn liên miên rồi cũng đến hồi ngớt. 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pa ri về việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Miền Bắc im tiếng bom rơi, thầy trò chúng tôi lại lục tục trở về trường cũ học nốt kỳ hai đang dở dang...

Sang năm học mới, thầy Bùi Đức Văn làm hiệu trưởng. Lớp 10B chúng tôi học thầy Mão dạy Văn, thầy Bích dạy Toán, thầy Oanh dạy Lý, cô Na dạy Sinh, cô Yến dạy thể dục... Ngày ấy, nhiều thầy cô giáo còn rất trẻ chưa xây dựng gia đình, ở một dãy nhà tập thể, phòng nọ sát vách phòng kia, trước cửa phòng thầy cô nào cũng trồng đám rau muống, vài cụm mùi, thìa là, húng...; tự nấu ăn. Học trò nhiều đứa hai mươi tuổi, lớn tướng ngày nghỉ thỉnh thoảng hay ghé thăm các thầy cô lụm cụm nấu nướng. Tôi vẫn nhớ thầy Bích dạy Toán kiêm chủ nhiệm lớp, quê ở Quỳnh Lưu - Nghệ An, mặt hơi rỗ hoa nhưng rất có duyên, chữ viết theo kiểu phăng te ri cứng cáp, phóng khoáng. Tính thầy hòa nhã, gần gũi học sinh; bọn học trò nữ rất mến thầy. Nếu như thầy Ba dạy văn năm lớp 8 điềm tĩnh, sâu sắc, chắc chắn thì thầy Mão dạy văn lớp 10 phóng khoáng, thăng hoa. Thầy Oanh dạy lý rất nghiêm khắc. Cô Ý dạy hóa, người miền Trung, nhỏ nhắn xinh xắn, nước da trắng như trứng gà bóc, rất hay cười, và lành hiền. Tôi được tiếng là học giỏi văn, nhưng toán thì phải nhường phần cho bạn Nguyễn Văn Đoài, Tạ Việt, Hoàng Việt, Tạ Văn Nghiêm, Lê Văn Dũng, Tạ Thị Yên; còn lý thì không ai hơn Nguyễn Hữu Thức và Trung văn thì Vũ Văn Bính đứng đầu...

Miền Bắc im tiếng súng nhưng miền Nam chiến tranh vẫn chưa hết hồi ác liệt. Cuối năm 1973 và đầu năm 1974, các lớp học tiếp tục trống nhiều chỗ ngồi. Chia tay bạn ra trận mà không nghĩ đến ngày bạn về; cứ động viên hẹn nhau đất nước thống nhất sẽ trở lại trường học nốt những bài dang dở.

Chúng tôi thường đứng chơi hoặc quần xe đạp quanh gốc cây đề và nao nao buồn khi ngày chia tay chấm hết đời học sinh phổ thông. Tôi đã cần mẫn cầm dao nhíp khắc vào thân cây đề: 31/5/1974, chia tay tuổi học trò. Cây ứa trào nhựa ra như khóc; trong phút giây bâng khuâng buồn, thầy giáo chủ nhiệm đi ngang qua chợt thấy; thầy vỗ nhẹ vai tôi bảo: "Thầy chia sẻ nỗi buồn xa trường của em. Nhưng em hãy nghĩ, nếu như ai cũng khắc vào gốc cây đề hàng trăm, hàng ngàn con số chữ viết như em, thì cây đề đau lắm." Tôi cảm thấy mình có lỗi, lỗi đúng ngày cuối cùng xa trường. Bây giờ, vết khắc của tôi không còn nữa, gốc cây u sần đổ mồ hôi ra nhiều rồi. Có một lần mưa bão, cây đề bị quật đổ nằm sõng sượt trên sân trường; dân bên ngoài đã định vào xin mua xẻ gỗ; nhưng thầy Đinh Văn Nguộc - vị hiệu trưởng dạo ấy không chịu, rồi kiên quyết cứu sống cây. Các thầy thuê 1 cái cần cẩu cao lêu nghêu dựng cây lên, đổ đất cao chèn lèn chặt. Cây đề không chết, vẫn tươi xanh tỏa bóng mát rì rào; nhưng hai năm sau thầy Nguộc đã ra đi. Đứa cháu tôi học lớp 12 năm ấy, bảo: Hôm thầy Nguộc mất, cây đề rũ lá, một ngày không vờn gió, đứng im phắc.

Từ dạo ấy, bao nhiêu thế hệ học trò đã ra đi từ mái trường này, nhiều người đã trở thành bác sỹ, kỹ sư, tiến sỹ, giáo sư, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, là doanh nhân, tướng lĩnh, là lãnh đạo Đảng và chính quyền...

50 năm, chúng tôi rủ nhau về thăm trường cũ. Chúng tôi già rồi, các thầy cô còn già hơn. Bỗng chạnh lòng, tôi lại nhớ đến các bạn chia tay trường lớp đi vào cuộc chiến tranh rồi mãi mãi không về, các anh nằm lại ở những chiến trường xa; và cũng xót lòng khi các thầy cô ngày xưa có người giã từ bảng đen phấn trắng đã mất, có người mắt mờ chân chậm, mái đầu bạc trắng hoa lau.

Một thời đi học xa xăm chỉ còn trong hoài niệm.

Bút ký của Sương Nguyệt Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/mot-thoi-di-hoc/d20240905155823852.htm