Một thời vững tay cày, chắc tay súng

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong chiều dài lịch sử đất nước. 47 mùa xuân đã đi qua nhưng âm hưởng hào hùng của một thời kháng chiến “tay cày, tay súng”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” góp phần để Nam - Bắc trọn niềm vui thống nhất là niềm tự hào của cả dân tộc, của ngành Nông nghiệp tỉnh nói chung và mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) nói riêng. Mặc dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng những ký ức về HTX thời bao cấp vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người và tiếp tục được phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để thực hiện đổi mới ngay trên những cánh đồng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Các thành viên HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu (thành phố Hưng Yên) Ảnh minh họa

Chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Văn Kháng ở thôn Cự Đình, xã Việt Hưng (Văn Lâm) là người có nhiều năm làm cán bộ HTX thời bao cấp. Bên tách trà nóng, ông Kháng kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện, những hoài niệm về hoạt động của HTX thời ông đã sống và làm việc. Năm 1971, ông Kháng được giao làm kế toán HTX Mễ Đình, xã Việt Hưng, sau này hợp nhất thành HTX xã Việt Hưng. Ông Kháng cho biết: Thời kỳ những năm 1965 - 1975, HTX hoạt động với quy mô thôn, liên thôn sau đó mới hợp nhất thành HTX quy mô toàn xã. Việc điều hành sản xuất theo từng đội, do Đội trưởng Đội sản xuất phụ trách. Với nhiều người, trong đó có tôi, HTX thời bao cấp là miền ký ức đặc biệt. Đến giờ tôi vẫn không thể nào quên được những ngày cân thóc tại sân kho từ tối đến sáng. Thời đó, cứ vào mùa thu hoạch lúa là tất cả các đội sản xuất của thôn đều mang lúa tập trung về sân kho để đập, phơi và cân. Có hôm nhiều thóc chúng tôi phải cân cả đêm mới hết, quê tôi vui như hội.

Nhớ lại những ngày miền Bắc hướng về miền Nam ruột thịt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà Nguyễn Thị Huệ, xã Hưng Đạo (Tiên Lữ) kể: Thời đó, đời sống của người dân quê tôi rất khó khăn, làm ruộng ghi công điểm, nhà nào nhiều điểm thì được chia nhiều thóc. Nhờ sức mạnh tập thể, dưới sự chỉ đạo của HTX, sản xuất nông nghiệp của xã không chỉ bảo đảm cuộc sống của xã viên mà còn góp sức chi viện cho miền Nam. Để bảo đảm mùa vụ, ứng phó với sự bắn phá của máy bay địch, HTX chia ca làm vào các thời điểm máy bay ít đánh bom như: Sáng sớm, tối khuya, đồng thời cắt cử người tham gia trực chiến đấu. HTX còn xây dựng hầm trú ẩn ngay tại đồng ruộng, do đó sản xuất không bị ngừng trệ, năng suất lao động tăng cao. Mỗi người ai nấy đều cố gắng làm việc bằng hai, bằng ba để nâng cao đời sống cũng như chi viện cho miền Nam. Tôi còn nhớ rõ, những khẩu hiệu “Giặc đến là đánh, giặc đi tiếp tục sản xuất”, “Tay cày tay súng”, “Không vì địch bắn phá mà ngừng sản xuất”, “Cán bộ bám dân, HTX bám ruộng, xã viên bám hố bom sản xuất thâm canh” thường xuyên được đọc trên đài truyền thanh thời đó.

Ở tuổi 64, ông Bùi Xuân Tám, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên), vẫn hào hứng kể về những năm tháng còn trẻ cùng bố mẹ tham gia phong trào sản xuất ở HTX thời bao cấp. Ngày ấy, ông thường theo mẹ đi làm cùng đội sản xuất, đi vớt bèo để giúp các bà, các mẹ nấu cám nuôi lợn, làm phân bón; chăn trâu cho HTX để có thêm công điểm phụ giúp gia đình. Ông Tám chia sẻ: Ngày ấy, việc làm đất chủ yếu từ sức trâu, nên chăn trâu cũng là nhiệm vụ quan trọng. HTX giao trâu cho các đội sản xuất. Các đội lựa chọn gia đình đông người, đông con ở độ tuổi thiếu niên để giao chăm sóc trâu. Đến mùa vụ, đội sản xuất sẽ thông báo đến từng gia đình nuôi trâu, người cày bừa, lịch làm đất cụ thể để họ chủ động đưa trâu ra đồng. Ngày ấy, gia đình tôi cũng được HTX giao nhiệm vụ chăm sóc trâu. Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, tôi đi chăn trâu. Mỗi ngày công chăn trâu được thư ký đội ghi công điểm, hết vụ sẽ cộng lại và chia thóc. Ngày ấy, cuộc sống vất vả nhưng nhà nhà đoàn kết, không khí lao động hăng say.

Còn rất nhiều câu chuyện về HTX thời bao cấp, song ẩn sau mỗi câu chuyện được nghe, chúng tôi cảm nhận được tinh thần đoàn kết, gắn kết của người dân. Thực hiện mô hình kinh tế tập thể, HTX không chỉ mang lại niềm tin của Nhân dân vào tập thể, mà còn tạo sức mạnh tổng hợp to lớn để tăng cường sản xuất tạo ra của cải vật chất, đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước, góp phần thống nhất đất nước. Sau này, do có những bất cập nên mô hình sản xuất tập trung của HTX đã được thay thế bằng hình thức khoán ruộng đất, tư liệu sản xuất cho nông dân. Nhưng không thể phủ nhận những đóng góp của kinh tế tập thể, HTX thời bao cấp đối với thắng lợi của dân tộc, đất nước. Có lẽ bởi vậy mà mỗi HTX hiện nay thành lập hoặc tổ chức lại đã phát huy được sức mạnh của sự đoàn kết, tiếp tục đổi mới và ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Hồng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chinh-tri/202204/mot-thoi-vung-tay-cay-chac-tay-sung-a290af5/