Mua bán gia súc nhiễm bệnh là vô trách nhiệm với cộng đồng
Hoạt động mua bán gia súc nhiễm bệnh đe dọa trực tiếp đến vấn đề an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng và đang đặt ra thách thức lớn đối với công tác phòng, chống dịch tại Hà Tĩnh.
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để khoanh vùng, khống chế các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, như dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), viêm da nổi cục trên trâu bò…
Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục với nội dung trọng tâm là người dân không che giấu dịch bệnh, kịp thời thông báo khi phát hiện gia súc có triệu chứng bất thường; tuyệt đối không vứt xác gia súc ra môi trường; không mua bán hoặc vận chuyển, giết mổ gia súc bệnh, không rõ nguồn gốc.

Ngành chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm 3 con lợn đưa về lò mổ ở xã Thạch Lạc, kết quả cả 3 con lợn đều nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, một số hộ dân và cơ sở kinh doanh vẫn phớt lờ cảnh báo, cố tình “tuồn” gia súc nhiễm bệnh ra thị trường. Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (Công an tỉnh Hà Tĩnh) phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi thành phố Hà Tĩnh (Sở NN&MT) đã phát hiện một vụ mua bán lợn mắc bệnh chuẩn bị đưa vào lò mổ.
Theo thông tin ban đầu, ngày 14/7/2025, ông Nguyễn Khắc Thông (trú thôn Tân Văn, xã Đồng Tiến) đã mua 3 con lợn của một hộ dân trên địa bàn với giá 2,1 triệu đồng, dù biết đàn lợn có dấu hiệu ốm, bệnh. Sau đó, ông bán lại số lợn này cho một hộ khác tại xã Thạch Khê với giá 6 triệu đồng.
Trong quá trình vận chuyển số lợn vào lò mổ ở xã Thạch Lạc, lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và kết quả cho thấy cả 3 con lợn đều nhiễm DTLCP. Nếu vụ việc không được ngăn chặn kịp thời, số lợn trên có thể sẽ bị giết mổ, chế biến và đưa ra thị trường. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra để tiến hành xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật.

Cơ quan chức năng kiểm tra lò mổ tại xã Thạch Lạc.
Hiện nay, dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, khiến ngành chăn nuôi chịu tổn thất nặng nề. Dù hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc bệnh bị nghiêm cấm, song vì lợi nhuận, nhiều người vẫn bất chấp quy định này.
Điều này cũng cho thấy nguy cơ thực phẩm nhiễm bệnh len lỏi vào bữa ăn của người dân vẫn rất lớn, khiến tâm lý lo ngại trong cộng đồng gia tăng. Chị Hoàng Thị Ngọc (phường Thành Sen) chia sẻ: “Thông tin phát hiện nhiều sản phẩm thịt lợn nhiễm DTLCP bị tuồn ra chợ, quán ăn,… khiến chúng tôi rất hoang mang. Tôi đã hạn chế dùng thịt lợn, chuyển sang thực phẩm khác để bảo đảm an toàn. Về lâu dài, rất mong cơ quan chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để bảo vệ người tiêu dùng”.

Người tiêu dùng Hà Tĩnh đang cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm thịt gia súc.
Thực tế cho thấy, dù các lực lượng đã tăng cường kiểm tra nhưng vẫn còn những kẽ hở trong quản lý hoạt động mua bán, giết mổ gia súc trên thị trường. Nhiều thương lái lợi dụng tâm lý sợ thua lỗ của người chăn nuôi để thu mua gia súc đang bị ốm, bệnh với giá rẻ, rồi tìm cách đưa vào lò mổ hoặc chợ dân sinh.
Trong bối cảnh đó, hệ thống lò mổ đóng vai trò quan trọng như một “hàng rào” kiểm soát chất lượng thịt trước khi ra thị trường. Nếu các cơ sở này buông lỏng kiểm tra, kiểm soát vì lợi nhuận, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất lớn.

Công tác giám sát giết mổ được thực hiện tại lò mổ tại phường Đồng Môn cũ, nay là phường Trần Phú.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, ngoài ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế, công tác phòng, chống dịch ở một số địa phương vẫn tồn tại nhiều bất cập. Một số biện pháp chống dịch còn mang tính hình thức, nguồn lực kiểm soát hạn chế; việc quản lý mua bán, vận chuyển gia súc chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương chưa bố trí nhân viên thú y cấp xã, hoặc cán bộ thú y không nắm rõ biến động tổng đàn, dẫn đến việc tham mưu và triển khai biện pháp phòng dịch chưa kịp thời, thiếu hiệu quả.
Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi (Sở NN&MT tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng: “Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, các cơ quan chức năng phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tuyệt đối không vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc nghi nhiễm bệnh, bị bệnh hoặc đã chết. Theo Nghị định 131/2025/NĐ-CP quy định phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ NN&MT, nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y đã được giao cho cấp xã thực hiện.
Vì vậy, chính quyền cấp xã cần phải chủ động kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm từ động vật; thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh để kịp thời khuyến cáo người dân áp dụng biện pháp phòng ngừa. Đồng thời, quản lý biến động tổng đàn gia súc, gia cầm và tăng cường kiểm tra tại cơ sở nhằm phát hiện, xử lý sớm ổ dịch, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trên diện rộng”.

Việc báo cáo lợn nghi ngờ bị nhiễm bệnh hoặc bị chết lên chính quyền địa phương là trách nhiệm của người chăn nuôi.
Vụ việc buôn bán lợn nhiễm bệnh vào lò mổ tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng trong kiểm soát dịch bệnh, từ chăn nuôi, vận chuyển cho tới tiêu thụ sản phẩm.
Mỗi hành vi tiếp tay cho việc mua bán, giết mổ gia súc bệnh đều tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng. Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, từng hộ chăn nuôi, cơ sở kinh doanh và chủ lò mổ cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.