Mùa bắp trên đồi

Mùa mưa Tây Nguyên cũng là mùa trồng bắp. Đất đỏ bazan rất thích hợp cho cây bắp phát triển.

Nhìn những ruộng bắp tốt quá đầu người đang kỳ trổ cờ đậu hạt, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ đến rẫy bắp của bố. Một thời tuổi trẻ của chị em tôi gắn bó với nơi ấy. Kỷ niệm ùa về đâu đây vị bắp luộc ngọt ngào quyến luyến mãi khôn nguôi.

Sau 6 tháng mùa khô, đất đai đã khô nỏ. Bố tôi thuê máy cày đất trên đám rẫy nhà mình cho tơi xốp rồi dọn sạch cỏ dại, cây bụi. Sau cơn mưa đầu tiên trút xuống là bắt đầu gieo hạt. Đám rẫy của bố rộng cả héc ta. Bố trồng giống bắp lai để làm thức ăn cho gia súc.

Mùa hè đến, chị em tôi từ nơi trọ học trở về nhà. Đó cũng là thời điểm của mùa mưa Tây Nguyên. Nước mưa mát lành như một thứ phân bón kỳ diệu làm cho cây cối mướt xanh. Đám bắp bố mới gieo được nửa tháng đã lên chừng gang tay, lá non tơ mỡ màng.

Giờ là lúc chúng tôi giúp bố làm cỏ. Do lâu lâu mới làm nên thỉnh thoảng tôi lại cuốc phải gốc cây. Sợ bị bố la nên tôi vội vàng vùi cây bắp tội nghiệp vào đám cỏ để giấu.

Ảnh minh họa: Nguyễn Thắng

Ảnh minh họa: Nguyễn Thắng

Ngoài việc trồng giống bắp lai để bán, bố còn trồng thêm ít bắp nếp ở những khu đất trống xung quanh nhà để khi chúng tôi nghỉ hè về là có bắp ăn. Màu xanh của lá bắp nếp bao giờ cũng nhạt hơn bắp lai. Cây mảnh mai và quả cũng nhỏ hơn. Nhưng về độ dẻo và ngọt thì hơn hẳn bắp lai. Vì là của nhà trồng nên chúng tôi được ăn bắp từ lúc còn non cho đến tận khi hết mùa. Nhưng ngon nhất là lúc bắp vừa mẩy hạt và còn ngậm sữa.

Những ngày mưa dầm, tôi đội nón ra vườn bẻ bắp, đem chặt bớt 2 đầu, tước bỏ bớt lớp lá bên ngoài để khi luộc sẽ nhanh chín và ngọt nước. Bao giờ tôi cũng để lại ít râu bắp vì bố bảo nó giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc, mát gan. Chỉ cần bỏ thêm một chút muối là cả bắp và nước luộc ngọt lừ, ăn hoài không ngán. Bắp luộc khi chín có màu trắng sữa, hạt bắp căng bóng, cắn một miếng ngập chân răng, vị ngọt thấm sâu nơi đầu lưỡi. Ăn bắp xong, uống một ly nước luộc nghe khoan khoái như cả mùa mưa mát rượi trong lòng.

Hồi ấy, trong làng nhà nào cũng nghèo nên bắp vườn là “cứu cánh” giúp mỗi gia đình vượt qua những ngày giáp hạt đằng đẵng của mùa mưa Tây Nguyên. Gần nhà tôi là gia đình chú Minh. Nhà chú có tới 5 người con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Chúng tôi thường chia sẻ nguồn thức ăn kiếm được xung quanh ruộng rẫy. Lúc thì mớ rau, quả ớt, lúc con cá, con cua bắt được dưới suối. Cô chú cũng trồng một vườn bắp nếp quanh nhà. Vì vậy, đến mùa bắp, 2 gia đình cùng nhau ăn hết bắp nhà này rồi đến nhà kia. Mỗi lần như thế, không khí lại náo nhiệt, rộn ràng cả một góc rẫy.

Đã hơn 20 năm trôi qua, bây giờ, em gái tôi mới kể câu chuyện ngày em biết tin mình đậu đại học. Nhà thì xa, chúng bạn cùng lớp ở mãi trên thị trấn. Em muốn khoe với bạn về thành tích của mình nên đạp xe mang theo nửa bao bắp vừa bẻ trong vườn đến nhà một đứa bạn thân để khao.

Một lúc sau, lũ bạn cùng lớp cũng có mặt chung vui cùng em. Em bảo rẫy đã hết bắp nếp nên em đành xin ít bắp lai của bố. May bắp còn non nên ăn cũng ngọt. Với cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” của lũ bạn thời đó thì bắp lai cũng là món quà hảo hạng. Kỷ niệm đơn sơ vậy mà khi nghe kể lại, sống mũi tôi cứ cay cay.

Một thời gian khó gắn bó nơi miền rừng rẫy xa xôi ấy nuôi lớn chúng tôi. Nuôi dưỡng ước mơ chúng tôi vươn tới những chân trời xa để có một tương lai tốt đẹp sau này.

MAI HƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mua-bap-tren-doi-post285566.html