Mưa dông lốc mạnh ở miền Bắc ngày 19/7 là hiện tượng dông nhiệt hiếm gặp, cực kỳ nguy hiểm, không thể dự báo sớm
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nguyên nhân của hiện tượng mưa dông mạnh chiều ngày 19/7 ở Bắc Bộ và Vịnh Bắc Bộ là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, kết hợp với điều kiện nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ tăng cao trong 3 ngày qua, khiến dòng thăng mạnh trong điều kiện bất ổn định của khí quyển mạnh mẽ. Đây là hiện tượng hiếm gặp, rất nguy hiểm và không thể dự báo sớm.
Chiều ngày 19/7, miền Bắc xuất hiện mưa dông diện rộng, nhiều nơi xuất hiện dông mạnh, lốc xoáy và gió giật mạnh, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.
Tại trạm Cửa Ông (Quảng Ninh) ghi nhận gió mạnh cấp 7, Bãi Cháy (Hạ Long) cấp 10, và Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cấp 8. Đây là những cấp gió tương đương với gió bão và gió áp thấp nhiệt đới.

Nhiều cây đổ trên các tuyến đường của Hà Nội sau trận dông nhiệt bất ngờ chiều ngày 19/7. (Nguồn: hanoionline.vn)
Còn tại Hà Nội, gió mạnh dữ dội khiến nhiều cây bị gãy đổ, mái tôn bị cuốn bay. Mưa lớn cũng gây ngập nhiều đường phố. Theo một số nguồn tin khí tượng, trong cơn dông này, sức gió giật ở Hà Nội đã lên tới cấp 7 - 8 (50 - 74 km/h), thậm chí có những khoảng thời gian ngắn, gió có thể mạnh tới cấp 9 (75 - 88 km/h).
Bản tin lúc 16h10 chiều 19/7 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị dông sét và ra đa thời tiết phát hiện thấy vùng mây đối lưu đang phát triển và gây mưa cho khu vực phía Bắc Hà Nội, đang di chuyển và mở rộng sang khu vực nội thành.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trận mưa dông chiều 19/7 không phải do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Wipha. Thời điểm dông lốc xảy ra, tâm bão đang trên vùng biển Bắc Biển Đông, cách vịnh Hạ Long của Việt Nam trên 1.000km về phía Đông. Hoàn lưu bão Wipha có đường kính khoảng 200-300km (tính từ tâm bão).
Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, kết hợp với điều kiện nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ tăng cao trong 3 ngày qua, khiến dòng thăng mạnh trong điều kiện bất ổn định của khí quyển mạnh mẽ, gây mưa dông mạnh.
Đây là một hệ thống siêu dông vùng nhiệt đới với những tổ hợp mây dông quy mô trung bình, thường gây mưa rất to kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như gió giật mạnh, sấm sét dữ dội, thậm chí cả mưa đá, vòi rồng.
Hệ thống siêu dông có đường kính từ vài km đến vài trăm km, gồm nhiều cụm mây dông phát triển kết hợp lại thành một hệ thống lớn. Có thể tồn tại trong nhiều giờ, thậm chí 12–24 giờ, mạnh hơn và lâu hơn dông đơn lẻ.
Ngay sau khi ảnh hưởng đến miền Bắc, vùng mây dông này cũng tràn xuống khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh gây mưa dông diện rộng kèm các hiện tượng thời tiết như lốc sét, gió giật mạnh trong tối qua.
Điều đáng lo ngại là các cơn dông nhiệt không thể dự báo sớm, không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế, do đặc điểm nhiễu động quy mô nhỏ, hình thành rất nhanh.
Hiện nay, với những trang thiết bị hiện đại quan trắc và giám sát bầu trời như ảnh mây vệ tinh phân giải cao, radar thời tiết, cơ quan khí tượng có thể phát hiện được dông nhiệt nhưng do các hiện tượng này xảy ra quá nhanh nên chỉ có thể cảnh báo cực ngắn, từ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ.
Vì vậy đây là hiện tượng thời tiết cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là khi hiện tượng thường xảy ra vào giữa và cuối chiều, thời điểm nhiều người lưu thông trên đường.
Trước đó, do ảnh hưởng của dông lốc, chiều 19/7 đã xảy ra vụ lật tàu thương tâm trên Vịnh Hạ Long. Vào lúc 12h55 ngày 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 xuất bến đưa khách đi tham quan vịnh Hạ Long theo tuyến số 2. Đến 13h45, khi đang ở gần hang Đầu Gỗ, tàu bị dông lốc đánh lật úp, tất cả du khách và thuyền viên rơi xuống biển.

Các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh tìm kiếm các nạn nhân của vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long. (Nguồn: Báo Tiền phong)
Hơn 1.000 người cùng 100 phương tiện đã tham gia tìm kiếm người bị nạn. Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện khoảng 350 người, gần 50 tàu, xuồng các loại và 3 flycam của các đơn vị quân sự, biên phòng, công an, hải quân, cảnh sát biển, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đang mở rộng phạm vi tìm kiếm 4 người mất tích còn lại. Quân chủng Phòng không Không quân cũng đã điều tổ bay rà soát từ trên cao.
Công an tỉnh Quảng Ninh xác định trên tàu Vịnh Xanh 58 có 46 khách, thuyền trưởng, hai thuyền viên, giảm 2 khách, 2 thuyền viên so với con số báo cáo ban đầu của thuyền trưởng với cảng vụ khi xuất bến. 10 người sống sót được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Bãi Cháy. 35 thi thể đã được bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Chia sẻ với TG&VN, anh Đồng Tiến Việt (40 tuổi) cho biết, trước tai nạn của tàu Vịnh Xanh 2 ngày, anh tình cờ đọc trên mạng xã hội về việc nền nhiệt mặt Biển Đông đang lên tới 34-36 độ. "Đó là điều kiện thuận lợi để tạo ra những cơn bão khủng khiếp như Yagi năm ngoái", anh Việt nói.
Anh Việt cho biết, chính bản thân anh và gia đình cũng là nạn nhân của một cơn dông nhiệt mà phải rất may mắn mới còn ở lại để chia sẻ kinh nghiệm. Anh kể, trong chuyến du lịch cùng gia đình đến đảo Kophiphi (Thái Lan), lúc từ bờ ra đảo trời nắng đẹp, mặt biển sóng rất nhẹ nhưng chiều về đã trở thành cơn ác mộng kinh hoàng, khiến 8 năm trôi qua, anh vẫn chưa đủ can đảm để thu xếp một chuyến đi đảo nào cho gia đình.
"Sau khi rời đảo được 20 phút, trời bỗng tối đen như mực, gió giật mạnh và sóng to, cao từ 2-3 mét. Mọi người đều cảm thấy bất ổn khi nhân viên tàu hò hét nhau với sự hoảng hốt tột độ. Đi thêm gần 30 phút trong điều kiện thời tiết như vậy vẫn chưa thấy tới bờ, bất ngờ tàu đi chậm, rồi...thả trôi theo sóng. Những cơn sóng ngày càng lớn như muốn nhấn chìm thuyền. Và chưa khi nào cảm thấy thần Chết ở gần tới vậy! May mắn sau đó, điện thoại của một du khách bắt được sóng, nhân viên gọi được vào bờ để tàu trong bờ ra tiếp nhiên liệu...", anh Việt nhớ lại.