Mưa lũ đi qua, tình người đọng lại

Ngày 25-9, khu vực Bắc miền Trung mưa đã ngớt. Chính quyền địa phương, người dân bắt đầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng bão số 4 gây ra.

Giúp nhau trong hoạn nạn

Sau 2 ngày xảy ra vụ sạt đồi khiến căn nhà sập hoàn toàn, anh Lô Văn Sỹ (trú bản Văn, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh kể, do mưa lớn nhiều ngày, chiều 23-9, anh phát hiện ở chân đồi Na Pung phía sau nhà có một vết nứt nên báo chính quyền địa phương. Gia đình anh được vận động sơ tán khẩn cấp. Anh vội đưa vợ con đến ở tạm nhà ông bà ngoại (cùng bản), sau đó quay về dọn dẹp đồ đạc. Đến khoảng 19 giờ 20 cùng ngày, anh vừa lên xe máy rời đi thì nghe tiếng nổ lớn, đất đá phía sau đồi sạt từng mảng...

 Các lực lượng hỗ trợ tháo dỡ, dọn dẹp nhà anh Lô Văn Sỹ (xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) sập nhà do sạt lở đồi. Ảnh: DUY CƯỜNG

Các lực lượng hỗ trợ tháo dỡ, dọn dẹp nhà anh Lô Văn Sỹ (xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) sập nhà do sạt lở đồi. Ảnh: DUY CƯỜNG

Sau khi kiểm tra tình hình an toàn, lực lượng chức năng cùng bà con dân bản chung tay tháo dỡ nhà, di chuyển đồ đạc của gia đình anh Sỹ đến nơi ở tạm. “Ngôi nhà em mới làm được hơn một năm, hết hơn 400 triệu đồng tích cóp bao năm, giờ tan tành. May mắn tính mạng cả gia đình được an toàn. Qua hoạn nạn mới thấy tình người, tình dân bản thật đáng quý”, anh Sỹ ngậm ngùi.

Tại xã rẻo cao biên giới Thông Thụ (huyện Quế Phong, Nghệ An), ngày 25-9, các lực lượng bộ đội biên phòng, công an, đoàn thanh niên, bà con dân bản… vẫn đang chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp các hộ dân bị hư hỏng nhà cửa ổn định cuộc sống. Thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua là nhà chị Lương Thị Hoa ở bản Mường Piệt, một hộ nghèo của xã. Mưa lớn kéo dài, đồi sạt lở khiến nhà của chị bị đổ sập, rất may không ảnh hưởng về người. Mọi người đã chung tay tháo dỡ, dọn dẹp, hỗ trợ gia đình chị Hoa đến ở tạm nhà họ hàng trong bản. Lãnh đạo huyện, Hội Chữ thập đỏ huyện cũng trực tiếp đến trao quà động viên, hỗ trợ gia đình chị.

Bà Lữ Thị Thuận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thông Thụ chia sẻ: “Những ngày này, đâu có nhà cửa hư hỏng, thiệt hại là có mặt bộ đội biên phòng, công an, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên… Không chỉ giúp dân dọn dẹp, dựng lại nhà cửa, các lực lượng còn giúp dân thu hoạch lúa, hoa màu”.

Trước đó, sáng 23-9, trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) mưa rất lớn khiến nhiều hoạt động gần như tê liệt. Cây lớn đổ vào đường điện khiến điện mất, trang trại gà của anh Nguyễn Ngọc Huy (xóm Hòa Hợp, xã Nghi Ân, TP Vinh) bị thiệt hại nặng. Khoảng 9.500 con gà bị ngạt do thiếu điện. Biết tin, bà con hàng xóm đã sang hỗ trợ chủ trang trại di chuyển gà đến nơi khô ráo, đồng thời một số người, thậm chí cả Chủ tịch UBND xã Nghi Ân, cũng lên mạng xã hội kêu gọi sự giúp đỡ. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều người đã tìm đến mua gà ủng hộ anh Huy. Ông Chu Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cảm kích: “Được bà con mua gà ủng hộ, anh Huy cũng gỡ gạc được một phần vốn”.

Sớm đưa học sinh trở lại trường

Ngày 25-9, tại Trường Mầm non Kim Hoa (xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), sau khi nước rút, ngay từ sáng sớm, hàng chục cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã tập trung dọn dẹp bùn đất trong phòng học, sân trường, lau chùi đồ đạc, sửa soạn bàn ghế, đồ dùng học tập. Cô Trần Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Hoa, cho biết, do trường nằm ở khu vực thấp trũng, lại gần sông Ngàn Phố, nước từ ngoài sông tràn vào khiến trường trở thành một trong những điểm bị ngập sâu nhất của xã trong những ngày qua. Một số vật dụng, đồ chơi, thảm cỏ chống trơn trượt, vườn cổ tích cho trẻ ở ngoài sân, cây cối, vườn rau, cây hoa bị ngập nước và bùn đất làm ướt, hư hỏng.

Ngày 25-9, UBND tỉnh Quảng Bình đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, sạt lở đất tại tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa. Do ảnh hưởng của bão số 4, khu vực này đã xuất hiện một số điểm trượt, các vết nứt, hình thành cung sụp, lún với tổng chiều dài khoảng 200m. Chính quyền địa phương đã di dời 40 hộ dân đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng thường trực để cảnh báo, hướng dẫn cho người dân, phương tiện qua lại.

Theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Trường Giang, hiện trên địa bàn huyện có 5 trường đang cho học sinh nghỉ học. Đối với 2 trường ngập nước, ngay trong ngày 25-9, tranh thủ thời tiết tạnh ráo và nước rút, nhà trường đã nhanh chóng huy động lực lượng vệ sinh trường, lớp... Cố gắng chậm nhất là đến ngày 27-9 hoặc đầu tuần tới, tất cả học sinh trên địa bàn trở lại trường học bình thường.

Còn tại huyện Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Xuân Hùng cho biết, nước lũ tại các vùng thấp trũng trên địa bàn đã cơ bản rút. Chính quyền địa phương đang huy động nhân lực, phương tiện nhanh chóng triển khai dọn dẹp vệ sinh môi trường, bùn lầy, rác bẩn trên các tuyến đường để đảm bảo giao thông; dọn dẹp vệ sinh môi trường các khu vực trường học để sớm đón học sinh trở lại trường.

Đến ngày 25-9, tổng cộng 29 hộ dân của các thôn Nà Pha và Nà Áng thuộc xã Đồng Lạc (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) với hơn 150 người vẫn đang sống tá túc trong khu đình chợ của xã sau nửa tháng chạy sạt lở. Trước đó, vào ngày 11-9, sau những trận mưa lớn kéo dài, chính quyền địa phương đã phát hiện nhiều vết nứt trên mặt đất và trong nhà tại thôn Nà Pha, đặc biệt là 32 ngôi nhà có các vết nứt nghiêm trọng ở tường, cột, sân và hiên; đường giao thông cũng xuất hiện các vết nứt nẻ, nguy cơ sạt lở. UBND huyện Chợ Đồn đã tổ chức di dời 32 hộ dân đến nơi ở tạm...

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn, nhiều điểm dân cư ở các huyện Chợ Mới, Ba Bể, Na Rì và TP Bắc Kạn vẫn đang đối mặt nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn của hơn 200 hộ dân khác với 807 nhân khẩu.

PHÚC HẬU

DUY CƯỜNG - DƯƠNG QUANG - MINH PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mua-lu-di-qua-tinh-nguoi-dong-lai-post760727.html