Mưa lũ sau bão diễn biến phức tạp ở Thanh Hóa, Nghệ An

Dự báo trong đêm nay và ngày mai (23/7), mưa do hoàn lưu bão Wipha sẽ tập trung chủ yếu ở Thanh Hóa, Nghệ An, phía nam Phú Thọ và Sơn La. Sông Mã của Thanh Hóa và sông Cả của Nghệ An có thể đón lũ lên từ 3-6m.

Trong chiều nay (22/7) bão Wipha rất ít di chuyển. Lúc 16h chiều tâm bão đang trên đất liền Ninh Bình - Thanh Hóa, vẫn duy trì cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo trong đêm nay, bão di chuyển chậm, suy yếu dần thành một áp thấp nhiệt đới trên biên giới Việt Lào, sau đó tan dần trong sáng 23/7 trên khu vực Thượng Lào.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trong đêm nay và sáng mai, mưa lớn còn tiếp tục ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, phía Nam Phú Thọ và Sơn La với lượng mưa phổ biến 60-120mm, có nơi trên 200mm.

Khu vực miền Bắc và Hà Tĩnh trong đêm nay và sáng mai có mưa rải rác theo đợt với lượng mưa tích lũy khoảng 20-40mm, có nơi trên 100mm.

Dự báo Thanh Hóa và Nghệ An sẽ là hai địa phương có diễn biến mưa lũ phức tạp sau bão. Từ đêm 22/7 đến ngày 25/7, sông Mã và sông Cả có thể đón một đợt lũ lên 3-6m, gây ngập úng tại khu vực trũng thấp ven sông, các khu đô thị, khu dân cư tập trung.

Mô hình độ ẩm cũng cho thấy, hai địa phương này có nguy cơ rất cao xuất hiện lũ quét, sạt lở đất trong đêm nay và sáng mai.

 Thanh Hóa, Nghệ An đối mặt với tình trạng mưa lũ phức tạp sau bão.

Thanh Hóa, Nghệ An đối mặt với tình trạng mưa lũ phức tạp sau bão.

Theo số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, giữa sáng nay, bão Wipha đã đổ bộ đất liền nước ta ở Hưng Yên - Thanh Hóa. Do đặc điểm di chuyển theo hướng tây tây nam và vùng mây có tính chất lệch tây và tây nam nên khu vực hứng chịu gió mạnh nhất là Quảng Ninh nhưng mưa lớn nhất ở Thanh Hóa.

Các hệ thống quan trắc ghi nhận gió mạnh đã xảy ra trên diện rộng khu vực ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tiên Yên (Quảng Ninh) ghi nhận gió cấp 10, giật cấp 14 - đây là điểm ghi nhận gió giật mạnh nhất trong đợt bão này.

Ngoài ra, đặc khu Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) ghi nhận gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Cửa Ông (Quảng Ninh) ghi nhận gió cấp 10, giật cấp 12; Quảng Hà (Quảng Ninh) cấp 9, giật cấp 11; đặc khu Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 9, giật cấp 11, Thái Bình (Hưng Yên) cấp 7, giật cấp 8; Ba Lạt (Hưng Yên) cấp 8, giật cấp 9.

Từ 7h ngày 21/7 đến chiều ngày 22/7, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa phổ biến 100–200mm, nhiều nơi vượt 300mm. Trong đó, với đặc điểm vùng mây lệch tây và tây nam, Thanh Hóa và Ninh Bình là hai địa phương mưa lớn nhất.

Nga Sơn ghi nhận lượng mưa 412,6mm, Sầm Sơn 379,5mm, Triệu Sơn 336,2mm, Như Thanh 327,4mm, Ba Đình 326,8mm, Hạc Thành 315,8mm.

Các trạm Hải Anh, Giao Linh, Tam Điệp của Ninh Bình cũng ghi nhận trên 260mm. Một số nơi ven biển như Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cát Hải (Hải Phòng) mưa vượt 180mm.

 Bão tiếp tục gây mưa lớn trong đêm nay và sáng mai ở Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ và Sơn La.

Bão tiếp tục gây mưa lớn trong đêm nay và sáng mai ở Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ và Sơn La.

Bão Wipha hình thành trên vùng biển phía đông Philippines. Sáng 19/7, bão vượt qua kinh tuyến 120 đi vào Biển Đông, là cơn bão thứ 6 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và là cơn bão số 3 trên Biển Đông năm nay.

Thời điểm bão mạnh nhất là khi áp sát Hồng Kông (Trung Quốc) và đất liền tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với cường độ cấp 12, giật cấp 15. Tại Philippines, dù tâm bão không đổ bộ nhưng hoàn lưu bão đã khiến 11.600 người phải sơ tán, 2 người thiệt mạng. Tình trạng ngập lụt và sạt lở đất xảy ra tại Manila và các tỉnh miền Trung của quốc đảo này. Chính phủ Philippines phải đóng cửa trường học, tạm ngừng một số dịch vụ công cộng.

Tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng ghi nhận sạt lở nhiều nơi, nhiều chuyến bay nội địa và phà bị hủy hoặc đình trệ. Các tuyến phà chính từ Đài Loan (Trung Quốc) đi Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) bị tạm ngừng trong thời gian bão ảnh hưởng.

Trung Quốc cũng có nhiều cảng và cầu lớn, như cầu Hong Kong–Macao, bị đóng để ứng phó dông bão, các chuyến bay, phà tuyến nội địa bị hủy hoặc hoãn.

Bão Wipha có diễn biến khá phức tạp khi suy yếu ở thời điểm ma sát với đất liền tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (giảm 3 cấp xuống còn cấp 9, giật cấp 11). Tuy nhiên, khi vào vịnh Bắc Bộ, do điều kiện mặt biển ấm, bão mạnh trở lại với cường độ cấp 10, giật cấp 14, khi đổ bộ đất liền nước ta sáng nay, bão mạnh khoảng cấp 9-10, giật cấp 11 -13.

Biển Đông đang trải qua một mùa bão nhiều. Tính từ đầu mùa đến nay, khu vực này ghi nhận 3 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến tháng 10/2025, Biển Đông có thể xuất hiện 6-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động, trong đó khoảng 2-3 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Nhận định xa hơn, từ tháng 11/2025-01/2026, bão và áp thấp nhiệt đới tiếp tục hoạt động trên khu vực Biển Đông với khoảng 2-3 cơn, trong đó có thể xuất hiện một cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến 17h chiều 22/7, bão Wipha làm 107.217ha lúa bị ngập (Hưng Yên 26.000ha, Ninh Bình 74.017ha và Thanh Hóa 7.200ha). Nghệ An có 79 nhà bị tốc mái. Sự cố đê điều ghi nhận tại 3 địa phương là Hà Nội, Thanh Hóa và Ninh Bình. Hiện các địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại và khắc phục hậu quả của bão.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mua-lu-sau-bao-dien-bien-phuc-tap-o-thanh-hoa-nghe-an-post1762648.tpo