Mua sắm 'online' – cẩn thận 'trắng đen' lẫn lộn

Mua hàng 'online' – hình thức mua hàng trực tuyến qua mạng Internet trong thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ. Không thể phủ nhận những tiện ích của loại hình mua sắm này mang lại, tuy nhiên mua hàng 'online' cũng rình rập nhiều cái bẫy mà người tiêu dùng cần cảnh giác, tránh mắc phải để 'tiền mất, tật mang'.

Mua sắm “online” trở thành trào lưu của người tiêu dùng trong xã hội hiện đại.

Xu hướng mua hàng online ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhất là trong và sau khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra. Thời gian qua, trong khi lượng khách đến mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh truyền thống… giảm đáng kể thì số lượng người mua hàng trên trang mua sắm online lại tăng vọt.

Ngày nay, người tiêu dùng có thể ngồi ở nhà vẫn mua sắm đủ được mọi mặt hàng như lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng, thiết bị điện tử, sách báo... Trong thời đại công nghệ số có bước phát triển vượt bậc, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến lại càng áp dụng nhiều tiện ích để người tiêu dùng có thể tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm trực tuyến kích thích người tiêu dùng. Hiện nay, ngoài các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada… người tiêu dùng còn có thể mua sắm trực tuyến qua các fanpage, trang cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram…

Chị Nguyễn Thu Hương (phường Tiên Cát, TP Việt Trì) cho biết: Mua sắm online rất tiện dụng vì tôi không mất quá nhiều thời gian để di chuyển, tìm kiếm đồ đạc tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm. Tôi có thể mua được hầu hết đồ đạc mình cần tại các sàn thương mại điện tử và qua facebook.

Có nhiều tiện ích song mua hàng online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, người mua có thể “sập bẫy” những đối tượng lừa đảo. Đơn cử, trường hợp người tiêu dùng hay gặp phải là hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo. Lợi dụng bản chất của việc người mua hàng không thể đánh giá trực tiếp sản phẩm nên có không ít đối tượng đã tráo đổi sản phẩm khi giao hàng.

Chị Nguyễn Huyền Thương (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông) từng đặt một chiếc áo khoác nam trị giá hơn 600.000 đồng từ một tài khoản bán hàng trên facebook. Tới khi nhận hàng và kiểm tra, chị bất ngờ khi trong gói hàng là một chiếc áo khác cả kiểu dáng lẫn chất liệu, chất lượng không hề tương xứng với số tiền đã bỏ ra. Chị vội liên hệ với người bán nhưng tá hỏa khi phát hiện, trang facebook chị mua hàng đã biến mất không dấu vết. Ngậm ngùi nghĩ lại, chị Thương coi đây là bài học để cảnh giác hơn khi mua sắm “online”.

Đề phòng để lộ thông tin cá nhân khi mua hàng “online” để tránh nguy cơ bị đánh cắp và sử dụng vào các mục đích xấu.

Ở trường hợp khác, anh Bùi Tiến Dũng (phường Tân Dân, thành phố Việt Trì) vô cùng bức xúc chia sẻ: Khi đặt mua kính từ một fanpage khá nổi tiếng trên Instagram, tôi vô tình để lại địa chỉ và số điện thoại cá nhân. Vài ngày sau, tôi nhận được một chiếc kính nhưng không phải từ cửa hàng mà mình đặt. Tôi mới vỡ lẽ mình đã bị ăn trộm thông tin cá nhân để một cá nhân khác gửi hàng trục lợi. Sau này số điện thoại của tôi liên tục nhận được những cuộc gọi rác, mời chào mua hàng khiến tôi cảm thấy vô cùng phiền phức.

Những trường hợp kể trên chỉ là hai trong số ít những tình huống éo le mà người tiêu dùng gặp phải khi mua sắm “online”. Để tránh rủi ro cho người tiêu dùng, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, người mua hàng trực tuyến không nên chia sẻ, tiết lộ các thông tin cá nhân, các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không có liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin này để lừa đảo, xâm hại người tiêu dùng. Trước khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ cho quyết định đặt hàng của mình. Đồng thời, lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.

Mặt khác, khi cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, người tiêu dùng cũng có thể liên hệ với Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đầu số 1800.6838, để được tư vấn các quy định pháp lý về bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo luật sư Nguyễn Văn Bình (Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ): Theo quy định pháp luật hiện hành thì tùy từng trường hợp cụ thể, hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản khách hàng có thể xem xét xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015. Khi mua, nhận hàng từ các trang bán hàng trực tuyến, người mua cần giữ lại các chứng từ liên quan để có cơ sở giải quyết khi phát sinh tranh chấp. Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Bài toán tiêu dùng khôn ngoan để tránh rơi vào “bẫy lừa” khi mua sẵm trực tuyến đã và đang cần mỗi người tiêu dùng tự tìm lời giải. Thay vì phó mặc cho các cơ quan chức năng và đơn vị kiểm soát, mỗi người tiêu dùng cần phải cảnh giác hơn nữa, thông thái lựa chọn đơn vị cung cấp và loại sản phẩm uy tín, chất lượng. Có như vậy, môi trường mua sắm “online” mới ngày càng phát triển và phát huy được hết những tiện ích của mình trong xã hội hiện đại.

Trà My

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/mua-sam-online--can-than-trang-den-lan-lon/191720.htm