Mức giảm trừ gia cảnh được tính toán kỹ lưỡng theo số liệu kinh tế
Trả lời phóng viên TBTCVN, Luật sư, TS. Phan Hoài Nam cho rằng, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không dựa trên cảm tính hay áp lực dư luận mà cần được tính toán kỹ lưỡng dựa trên các số liệu kinh tế, đảm bảo hợp lý, không làm giảm vai trò điều tiết của thuế thu nhập cá nhân trong hệ thống thuế quốc gia.
PV: Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN - thay thế), dự kiến sẽ dược Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp tháng 10/2025. Quan điểm của ông như thế nào về việc xây dựng Luật Thuế TNCN thay thế này?
TS. Phan Hoài Nam: Dự thảo Luật Thuế TNCN thay thế lần này được xây dựng trên cơ sở điều chỉnh toàn diện, sửa đổi 31/35 điều của luật hiện hành, nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội mới. Một số nội dung quan trọng như mở rộng phạm vi thu nhập chịu thuế, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, đơn giản hóa biểu thuế lũy tiến và bổ sung quy định liên quan đến khấu trừ thuế trên các nền tảng thương mại điện tử.
Luật sư, TS. Phan Hoài Nam hiện là Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn W&A, Giảng viên Học viện Tư pháp, Thành viên Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA), Hiệp hội Kế toán công chứng Úc (CPA Australia) và Hiệp hội Thuế quốc tế Anh Quốc (CIOT).
Theo tôi, nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng dự thảo này. Dự thảo Luật mới không chỉ tập trung giải quyết các vấn đề nội tại mà còn hướng đến sự tương thích với thông lệ quốc tế. Ví dụ, xu hướng cải cách thuế tại các quốc gia khác cũng tập trung vào đơn giản hóa biểu thuế, giảm số bậc thuế, áp dụng thuế bất động sản theo thời gian nắm giữ để hạn chế đầu cơ và mở rộng cơ sở thuế đối với các khoản thu nhập từ hoạt động kinh tế số. Dự thảo lần này đã phản ánh các xu hướng đó, cho thấy sự hội nhập và tầm nhìn dài hạn trong việc xây dựng chính sách thuế.
PV: Một trong các nội dung được dư luận rất quan tâm đối với thuế TNCN là mức giảm trừ gia cảnh. Ý kiến của ông về vấn đề này là gì?
TS. Phan Hoài Nam: Dự thảo Luật Thuế TNCN (thay thế) đã đề cập đến việc rà soát và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với sự thay đổi của các chỉ số kinh tế vĩ mô và mức sống dân cư trong giai đoạn mới. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đã được áp dụng từ năm 2020 và cần được xem xét lại để đảm bảo tính công bằng giữa các tầng lớp dân cư, nhất là trong bối cảnh thu nhập và chi phí sinh hoạt đã thay đổi đáng kể.
Tôi cho rằng, giảm trừ gia cảnh là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế, đặc biệt là những người lao động có thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không dựa trên cảm tính hay áp lực dư luận mà cần được tính toán kỹ lưỡng dựa trên các số liệu kinh tế, đảm bảo rằng mức giảm trừ này thực sự hợp lý, không làm giảm vai trò điều tiết của thuế TNCN trong hệ thống thuế quốc gia. Một mức giảm trừ hợp lý sẽ góp phần nâng cao đời sống người dân và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
PV: Định hướng sửa đổi bổ sung quy định về giảm trừ gia cảnh trong dự thảo luật lần này là: “Nghiên cứu điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp với sự thay đổi của các chỉ số kinh tế vĩ mô, mức sống dân cư trong giai đoạn mới và xu thế phát triển”. Ông nghĩ sao về điều này?
TS. Phan Hoài Nam: Dự thảo Luật đã xác định rõ rằng việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phải dựa trên các chỉ số kinh tế vĩ mô, sự thay đổi mức sống dân cư và xu thế phát triển. Đây là một định hướng hợp lý và cần thiết, bởi mức giảm trừ gia cảnh phải phản ánh sát thực tế đời sống của người lao động trong từng giai đoạn, giúp bảo vệ quyền lợi của họ trước những biến động của nền kinh tế.
Tôi hoàn toàn ủng hộ định hướng của Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng mức giảm trừ gia cảnh mới, vừa đảm bảo phù hợp với thực tế, vừa duy trì vai trò của thuế TNCN trong hệ thống thuế quốc gia. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng cần có sự nhấn mạnh hơn vào lợi ích thiết thực cho người nộp thuế. Mức giảm trừ gia cảnh không chỉ cần đáp ứng chi phí cơ bản như ăn, ở, học hành, y tế mà còn phải phản ánh khả năng phát triển của các gia đình trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng thay đổi. Điều này đặc biệt quan trọng khi giá cả sinh hoạt tại các đô thị lớn tăng, trong khi mức giảm trừ hiện hành chưa đủ để bù đắp chênh lệch chi phí sinh hoạt giữa các khu vực.
Một mức giảm trừ hợp lý là mức vừa giúp bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế, vừa đảm bảo tính công bằng trong hệ thống thuế. Tuy nhiên, mức giảm trừ “quá cao” cũng cần được cân nhắc, bởi nó có thể làm giảm tính hiệu quả của thuế TNCN như một công cụ điều tiết thu nhập, dẫn đến việc chỉ đánh thuế vào nhóm thu nhập cao, làm mất đi tính toàn diện của chính sách này. Ngược lại, nếu mức giảm trừ “quá thấp” sẽ không đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân, làm gia tăng gánh nặng tài chính, đặc biệt là đối với các gia đình có nhiều người phụ thuộc hoặc ở những khu vực có chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hướng dẫn cần rõ ràng để tránh gây thêm gánh nặng hành chính
Theo TS. Phan Hoài Nam, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi áp dụng, cơ quan soạn thảo cần đặc biệt lưu ý một số điểm. Trước tiên, việc khấu trừ thuế từ các sàn thương mại điện tử cần có hướng dẫn rõ ràng. Ngoài ra, quy định áp dụng thuế suất bất động sản theo thời gian nắm giữ là hợp lý, nhưng cần đồng bộ với các cơ sở dữ liệu quản lý đất đai và nhà ở để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.