Muôn kiểu săn sale của người trẻ nhân dịp Black Friday
Cứ mỗi năm vào dịp cuối tháng 11, không khí mua sắm Black Friday lại sôi động hơn bao giờ hết. Nhiều bạn trẻ xem đây là cơ hội 'vàng' để săn hàng giảm giá, thậm chí không ngại chi mạnh tay, lên đến hàng chục triệu đồng.
Mua sắm "tưng bừng" dịp Black Friday
Tại một cửa hàng điện máy lớn tại Hà Nội, Nguyễn Văn Hòa, sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế Quốc dân, đã dành trọn ngày 29/11 để "chạy đua" với các đợt giảm giá. Hòa cho biết: "Mình đã để dành hơn 12 triệu đồng chỉ để mua sắm vào dịp này. Mỗi tháng đều hạn chế chi tiêu để gom tiền, vì Black Friday luôn là dịp giảm giá lớn nhất năm."
Theo Hòa, các mặt hàng thời trang, phụ kiện điện tử thường giảm sâu, có món giảm đến 70%. Tuy nhiên, anh chàng cũng nhận xét: "Không phải món nào cũng đáng mua. Một số đồ giảm giá là hàng tồn kho hoặc lỗi mốt, nên mình phải chọn lựa kỹ để tránh mua nhầm."
Cũng giống như Hòa, Trần Khánh An, nhân viên văn phòng 25 tuổi ở quận Cầu Giấy, cho biết cô nàng đã "nhịn" chi tiêu các đợt khuyến mãi khác trong năm để "dồn" sức mua sắm vào Black Friday. An đã chi hơn 10 triệu đồng để sắm sửa quần áo, giày dép cho cả mùa Tết sắp tới. "Mua sắm Black Friday là cách tiết kiệm hiệu quả. Mình vừa mua được đồ đẹp giá rẻ, vừa tránh phải đối mặt với việc giá cả tăng cao vào dịp Tết," An chia sẻ.
Săn sale trực tuyến: Tiện lợi nhưng đầy rủi ro
Không chỉ chen lấn tại các trung tâm thương mại, nhiều bạn trẻ còn tận dụng các sàn thương mại điện tử để săn sale "Ngày thứ Sáu đen tối". Nguyễn Khánh Linh, hiện đang làm nhân viên văn phòng tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng mua sắm online giúp cô nàng tiết kiệm kha khá thời gian và công sức: "Chỉ cần nằm nhà lướt điện thoại, mình đã có thể tìm thấy hàng trăm món đồ giảm giá. Nhưng phải canh giờ khuyến mãi, thường là vào nửa đêm, khá mệt mỏi."
Linh cũng cảnh báo: "Mua online rất tiện nhưng cũng rất rủi ro. Một số cửa hàng giao hàng không đúng mô tả, hàng thì kém chất lượng. Vì vậy, mình chỉ mua ở những nơi có nhiều đánh giá tích cực và chính sách đổi trả rõ ràng."
Một trong những khó khăn khi săn sale online là việc cạnh tranh với hàng triệu người dùng khác trên nền tảng. Nguyễn Đức Hạnh, sinh viên ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: "Mỗi lần săn flash sale, mình phải đặt báo thức canh đúng giờ. Nhưng ngay khi bấm mua thì hàng đã hết. Đôi khi thấy chán vì mất công sức nhưng không mua được món đồ mình muốn."
Không ít bạn trẻ chọn cách sử dụng thẻ tín dụng để "chi mạnh tay" trong dịp Black Friday. Lê Thị Minh Ngọc, nhân viên kinh doanh 25 tuổi, chia sẻ: "Mình dùng thẻ tín dụng với hạn mức 30 triệu đồng để mua sắm. Khi dùng thẻ, mình vừa được giảm giá thêm, vừa tích điểm hoặc nhận quà tặng. Nhưng mình luôn phải cẩn thận, vì nếu không trả đúng hạn, sẽ bị phạt khá...chát."
Góc khuất đằng sau cơn sốt mua sắm
Chị Nguyễn Mai Lan, chuyên viên marketing tại công ty Cố phần One Mount, nhận định: "Tâm lý ‘săn sale’ thực chất là hiệu ứng tâm lý ‘sợ bỏ lỡ’ (FOMO), khiến người tiêu dùng có cảm giác rằng nếu không mua ngay, họ sẽ bỏ lỡ một món hời.” Tuy nhiên, theo chị, đây chỉ là cách nhà bán hàng tạo nên sự thúc giục để người mua không có thời gian suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Black Friday là dịp tốt để mua sắm, nhưng nếu không kiểm soát, người tiêu dùng dễ rơi vào bẫy chi tiêu quá mức. Các bạn trẻ nên lập ngân sách rõ ràng, chỉ mua những món thực sự cần thiết và tránh bị cuốn vào tâm lý 'săn đồ giảm giá'."
Bên cạnh đó, không ít người phàn nàn về việc giá cả bị "thổi phồng" trước khi giảm giá. Lê Hoàng Anh, sinh viên ngành Marketing, trường Đại học Thương mại, kể: "Có lần mình thấy một món đồ được giảm giá 50% trên mạng, nhưng khi kiểm tra giá trước đó, hóa ra giá gốc đã bị tăng lên. Vì vậy, mình luôn kiểm tra kỹ lưỡng giá cả trước khi xuống tiền mua một món đồ giảm giá."
Ngoài ra, cơn sốt mua sắm trong "Ngày Thứ 6 đen tối" dẫn đến tình trạng tiêu xài lãng phí trong một bộ phận người trẻ. Khánh An chia sẻ: "Mình từng mua quá nhiều đồ vào Black Friday vì thấy giá quá rẻ. Nhưng có những món mình chưa bao giờ dùng đến. Giờ đây, mình chỉ mua những thứ mình thực sự cần, tránh bị 'cuốn' quá sâu vào các chương trình khuyến mãi đến mức tiêu gì cũng không cần nhìn giá."
Đồng thời, chuyên gia nhận định, người tiêu dùng cần lưu ý đến chất lượng sản phẩm thay vì chỉ tập trung vào mức giá. Chị Mai Lan chia sẻt: "Đừng để các con số giảm giá trở thành sự cám dỗ trong chi tiêu. Một món đồ giảm giá sâu nhưng chất lượng kém vẫn là sự đầu tư lãng phí. Vì vậy, các bạn trẻ hãy cân nhắc kỹ trước khi mua sắm."