Mỹ ban bố tình trạng thảm họa ở California do tình trạng băng tuyết

Tuyết phủ trắng xóa tại Rancho Cucamonga, California, Mỹ, ngày 25/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Washington đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden tối 3/4 (giờ địa phương) đã phê chuẩn tuyên bố tình trạng thảm họa đối với bang California nhằm thúc đẩy sự hỗ trợ của chính quyền liên bang sau khi bang này phải hứng chịu hàng loạt cơn bão tuyết nghiêm trọng thời gian gần đây.

Theo Nhà Trắng, việc xác nhận một thảm họa lớn đang xảy ra ở California sẽ mang lại các nguồn viện trợ nhằm giúp đỡ các bộ lạc và những khu vực bị ảnh hưởng bởi thời tiết giá lạnh, lũ lụt và lở đất mà bang này phải hứng chịu kể từ giữa tháng 2 đến nay.

Tuyên bố của Tổng thống Biden sẽ giúp cung cấp tài trợ liên bang cho những cộng đồng bị ảnh hưởng ở các quận Kern, Mariposa, Monterey, San Benito, Santa Cruz, Tulare và Tuolumne của bang California.

Tuyên bố nêu rõ sự hỗ trợ sẽ được thực hiện dưới hình thức những khoản trợ cấp cho nhà ở tạm thời, sửa chữa nhà, các khoản vay chi phí thấp để trang trải những tổn thất tài sản không có bảo hiểm của các cá nhân và chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Những khoản tài trợ cũng sẽ được dành cho các tổ chức chính phủ đủ điều kiện và một số tổ chức phi lợi nhuận để chia sẻ chi phí thực hiện công tác cứu trợ khẩn cấp và sửa chữa các cơ sở vật chất bị hư hỏng. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thống đốc bang California Gavin Newsom gửi đề nghị đến Nhà Trắng vào tuần trước, khẳng định tình hình của bang đang ngày càng xấu đi khi liên tục phải hứng chịu các cơn bão mùa đông.

Thống đốc Newsom sau đó cho biết tuyên bố của Tổng thống Biden đã mang lại nhiều nguồn lực quan trọng để chính quyền bang California hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương và liên bang hỗ trợ những cộng đồng bị ảnh hưởng.

Theo số liệu do Sở Tài nguyên nước California công bố ngày 3/4, tổng lượng băng tuyết trong mùa tuyết rơi 2022-2023 tại bang này đã vượt qua kỷ lục được thiết lập cách đây 40 năm vào mùa tuyết rơi 1982-1983.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy lượng tuyết trên khắp California - bang đông dân nhất của Mỹ - đạt mức tăng đáng kinh ngạc là 237% so với bình thường vào ngày 3/4 và hiện ở mức cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử.

* Một số chuyên gia cho rằng do vị trí địa lý và địa hình đa dạng khiến Mỹ chịu ảnh hưởng của các hình thái thời tiết cực đoan thường xuyên với thiệt hại nặng nề hơn cả so với các nơi khác trên thế giới.

Việc nước Mỹ được bao quanh bởi 2 đại dương gồm Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, Vịnh Mexico, dãy núi Rocky, các bán đảo nhô ra như Florida, khiến các cơn bão dễ va chạm với nhau và tạo ra luồng gió xoáy gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan.

Giám đốc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại Dương (NOAA) của Mỹ, ông Rick Spinrad; nhà khí hậu học Kathie Dello và một số chuyên gia khác nhận định thiên nhiên gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan tại Mỹ, song con người cũng là đối tượng "tiếp tay" khiến thiên tai ngày càng trở nên tồi tệ hơn, tiếp đó là tác động của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các khối không khí va chạm cũng khiến quốc gia này chứng kiến nhiều thiên tai khắc nghiệt. Cho đến nay, Mỹ được xem là nước đứng đầu trong việc hứng chịu các cơn lốc xoáy và các cơn bão nghiêm trọng.

Hàng loạt trận lốc xoáy tấn công các khu vực tập trung đông người tị nạn tại bang Kentucky hồi tháng 12/2021 khiến gần 100 người thiệt mạng là minh chứng cho hiện tượng đặc trưng của Mỹ.

GS khí tượng học Walker Ashley ở Bắc Illinois cho biết với không khí lạnh hơn ở Bắc Cực và không khí ấm hơn ở vùng nhiệt đới trở thành nơi có thời tiết thú vị nhất vì có sự xung khắc nhiệt độ giữa các luồng không khí.

GS khí tượng học Marshall Shepherd tại Đại học Georgia, cựu Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Mỹ, cho biết nếu các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động đến toàn nước Mỹ, thì khu vực miền Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Tất cả các hình thái thời tiết khắc nghiệt đều tấn công khu vực này theo đúng nghĩa đen, từ bão tuyết, lốc xoáy, lũ lụt, giông lốc cho tới cháy rừng...

GS khí tượng học tại Northern Illinois, ông Walker Ashley, nhận định miền Nam nước Mỹ có nhiều nhà lắp ghép hơn so với các khu vực khác trên cả nước. Những dạng nhà này dễ chịu ảnh hưởng của mọi hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

Ngoài ra, thiệt hại tại đây thường lớn do bão đa phần xảy ra vào ban đêm khi người dân khó có khả năng ứng phó kịp thời, tìm nơi tránh trú an toàn, cũng như có thể bỏ lỡ các cảnh báo bão khi đang ngủ.

Cũng theo GS Ashley, thời tiết cực đoan do những yếu tố địa lý, địa hình đa dạng của Mỹ tạo ra nhiều mối nguy hiểm, song con người lại khiến những mối nguy hiểm đó thành thảm họa.

Về phần mình, GS Susan Cutter, Giám đốc Viện nghiên cứu Khả năng phục hồi trước những yếu tố cực đoan tại Đại học South Carolina, cho rằng một trong những biện pháp giúp các cộng đồng dân cư có khả năng chống chọi trước các hiện tượng thời tiết cực đoan là không phát triển theo cách dễ gây xảy ra rủi ro nhất.

Việc cố xây dựng và phát triển các đảo chắn, đặc biệt là ở khu Bờ Đông và Bờ Vịnh, dù biết cát và bão vẫn ập tới với tần suất nhất định, "dường như gây ra sự lãng phí ngân sách khổng lồ".

Theo GS Ashley, các tiêu chuẩn xây dựng công trình chắn bão thường có xu hướng được chi ở mức tối thiểu và các công trình như vậy ít có khả năng chống chịu với thiên tai.

Cùng chung nhận định, GS Shepherd đánh giá cơ sở hạ tầng đã xuống cấp hiện nay của nước Mỹ gần như không có khả năng chống chịu trước các đợt thiên tai. Ngoài ra, nghèo đói khiến công tác chuẩn bị và phục hồi sau các thảm họa thiên nhiên trở nên khó khăn hơn, đặc biệt ở khu vực miền Nam.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/297191/my-ban-bo-tinh-trang-tham-hoa-o-california-do-tinh-trang-bang-tuyet.html