Mỹ đối mặt làn sóng 'chảy máu chất xám'

Từng là điểm đến hàng đầu của giới học thuật, Mỹ đang chứng kiến sự ra đi hàng loạt của các nhà khoa học, học giả, kỹ sư và chuyên gia nghiên cứu.

 Các nhà khoa học và người dân Mỹ phản đối việc cắt giảm tài trợ tại Thủ đô Washington D.C - Ảnh: Alamy

Các nhà khoa học và người dân Mỹ phản đối việc cắt giảm tài trợ tại Thủ đô Washington D.C - Ảnh: Alamy

Chính sách của Tổng thống Donald Trump: "Giọt nước tràn ly"

Hàng loạt chính sách cứng rắn gần đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã làm rung chuyển giới nghiên cứu và các trường đại học Mỹ. Chính phủ liên bang cắt giảm ngân sách nghiên cứu trên hàng loạt lĩnh vực, đặc biệt là ngân sách cấp cho Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), nhà tài trợ lớn nhất cho nghiên cứu y sinh trên thế giới. Nhiều dự án nghiên cứu quan trọng liên quan đến HIV/AIDS, Covid-19 và ung thư, bị rút kinh phí giữa chừng, gây gián đoạn nghiên cứu và đẩy các nhà khoa học vào thế bị động. Đến nay, các vụ sa thải hàng loạt đã diễn ra tại các tổ chức như Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF), Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

Giáo sư Xiao Wu (Đại học Columbia) cho biết, việc khoản tài trợ NIH đầu tiên của ông bị hủy bỏ đột ngột khiến ông lo sợ về sự ổn định sự nghiệp và tương lai trong ngành, cảm thấy như bị "buộc phải rời khỏi các tổ chức học thuật Mỹ". Một khoản tài trợ 4,2 triệu USD cho một nhóm nghiên cứu khác từ Đại học Columbia cũng đã bị chấm dứt chỉ sau 3 tháng vận hành.

Bên cạnh cắt giảm tài trợ, chính quyền Mỹ còn nhắm mục tiêu vào các sáng kiến về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI). Các nhà nghiên cứu Canada khi nộp đơn xin tài trợ của Mỹ giờ đây được yêu cầu xác nhận rằng dự án của họ không chứa yếu tố "DEI". Một số cơ quan liên bang phải xóa bỏ các thuật ngữ như "đa dạng", "giới tính" và "khoa học khí hậu" khỏi trang web của họ.

Sự can thiệp của chính trị trong môi trường học thuật cũng trở nên rõ ràng hơn. Chính quyền liên bang đang gây áp lực với các trường đại học như Harvard và Columbia sau các vụ việc liên quan đến biểu tình và tự do ngôn luận. Harvard đã trở thành trường đầu tiên khởi kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump sau nguy cơ bị cắt giảm tài trợ nếu không tuân thủ các yêu cầu của chính phủ. Tổng thống Donald Trump công khai gọi Harvard là "mối đe dọa đối với nền dân chủ" và một "Tổ chức cực tả, chống Do Thái".

Sinh viên quốc tế gặp khó

Chính sách nhập cư và cấp thị thực cũng gây cản trở cho sinh viên và học giả quốc tế. Nhiều sinh viên bị từ chối visa hoặc bị trục xuất vì những lỗi như đậu xe sai chỗ hoặc chạy quá tốc độ. Hàng trăm visa bị thu hồi đột ngột. Lo ngại không được trở lại Mỹ nếu rời đi khiến nhiều du học sinh sống trong tâm lý bất an. Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng thu hút nhân tài quốc tế, vốn là thế mạnh lâu nay của nền giáo dục Mỹ.

Trước tình hình mới này, nhiều học giả tại các cơ sở giáo dục danh tiếng của Mỹ đã quyết định chuyển đến nơi khác. Giáo sư Jason Stanley (Đại học Yale) chuyển sang giảng dạy tại Đại học Toronto (Canada); 2 sử gia khác của Đại học Yale cũng có động thái tương tự; Valerie Niemann, một kỹ sư Hóa học rời Đại học Stanford để tới Thụy Sĩ.

Theo khảo sát của tạp chí Nature, 75% nhà khoa học Mỹ được hỏi cho biết họ đang cân nhắc rời khỏi Mỹ. Số lượng đơn ứng tuyển từ Mỹ vào các vị trí nghiên cứu ở nước ngoài đã tăng từ 32% lên 41% trong quý đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024. Đồng thời, số đơn ứng tuyển từ châu Âu vào các tổ chức nghiên cứu Mỹ giảm 41%.

Nguyên nhân sâu xa

Tờ Atlantic nhận định rằng trong khi các chính sách của Trump là yếu tố then chốt thúc đẩy sự dịch chuyển hiện tại, hiện tượng "chống trí thức" và các thách thức đối với giới học giả tại Mỹ không phải là mới.

Theo nhà báo Ibram X. Kendi, các học giả thuộc nhóm thiểu số, người da màu, phụ nữ, người đồng tính, tầng lớp lao động, thường không được nhìn nhận bình đẳng trong giới học thuật. Họ bị buộc phải giữ thái độ "khách quan", "trung lập", tránh thể hiện quan điểm cá nhân hay chính trị nếu muốn thăng tiến. Nhiều người bị loại khỏi hệ thống và bôi nhọ uy tín vì "không đi theo quan điểm chính thống".

Cơ hội cho Canada và châu Âu

Trong khi Mỹ mất đi sức hút, nhiều quốc gia khác đang ráo riết để tận dụng cơ hội. Canada được xem là điểm đến lý tưởng nhờ vị trí địa lý gần, sự tương đồng văn hóa và những trường đại học uy tín. Tỉnh Québec của Canada, với các điều khoản về tự do học thuật được đảm bảo trong các văn bản luật pháp, đang tích cực tuyển dụng học giả từ Mỹ. Tỷ lệ ứng viên khoa học Mỹ nộp hồ sơ vào các vị trí tại Canada tăng 41% từ tháng 1 đến tháng 3/2025 so với cùng kỳ năm ngoái.

Châu Âu cũng đang đẩy mạnh các chính sách thu hút nhân tài. Đại học Aix-Marseille (Pháp) đã khởi động chương trình "Nơi Khoa học được An toàn" nhằm tiếp nhận các nhà khoa học Mỹ, thu hút hơn 50 hồ sơ trong vòng vài tuần, trong đó 70% đến từ Mỹ. Bộ trưởng Nghiên cứu Pháp công khai kêu gọi các trường đại học mở cửa đón học giả từ Mỹ. Đức, quốc gia thu hút nhiều sinh viên quốc tế nhất ở Liên minh châu Âu (EU), cũng đang ghi nhận sự gia tăng về số lượng đơn ứng tuyển từ Mỹ. Hệ thống Viện Max Planck của nước này cũng đã tiếp nhận yêu cầu từ một số nhà nghiên cứu đến từ Mỹ muốn ở lại Đức lâu hơn dự định. Các quốc gia khác như Anh, Úc và Trung Quốc cũng đang tìm cách tận dụng cơ hội này để thu hút nhân tài Mỹ.

Tuy nhiên, tại Canada, chính phủ nước này đang siết lại chính sách nhập cư, một số trường đại học, cao đẳng đã phải cắt giảm nhân sự, hủy chương trình học. Ở châu Âu, việc cắt giảm chi tiêu công tại một số nước đang đe dọa mô hình phát triển của giáo dục đại học. Nếu không có cải cách đồng bộ về trợ cấp, lương bổng và chính sách học thuật, làn sóng "hút chất xám" của Canada và châu Âu có thể chỉ dừng lại ở tiềm năng.

Cuộc "chảy máu chất xám" đang đặt ra câu hỏi lớn về vị thế của Mỹ trong hệ thống học thuật toàn cầu. Việc mất đi các nhà nghiên cứu hàng đầu không chỉ ảnh hưởng tới năng lực sáng tạo, mà còn làm suy yếu ảnh hưởng quốc tế của Mỹ trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ - giáo dục.

Đăng Dương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/my-doi-mat-lan-song-chay-mau-chat-xam-20250513110728354.htm