Mỹ tăng tốc ứng phó đậu mùa khỉ

Hiện nay, Mỹ đã ghi nhận hơn 7.000 ca nhiễm đậu mùa khỉ. Để tăng cường ứng phó với đợt bùng phát dịch, Chính phủ Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế cho căn bệnh này. Cơ chế này sẽ mở đường cho việc chi tiền, cũng như các nguồn lực khác để chống lại loại virus gây bệnh đậu mùa khỉ.

Mối đe dọa gia tăng

Bệnh đậu mùa khỉ là dịch bệnh lưu hành ở nhiều vùng của châu Phi, nơi mọi người đã bị nhiễm bệnh qua vết cắn của các loài gặm nhấm hoặc động vật nhỏ, và nó thường không dễ lây lan giữa mọi người. Các nhà khoa học cho biết, các virus ADN như bệnh đậu mùa khỉ thường rất ổn định và tiến triển chậm so với các virus RNA như virus corona hoặc Ebola. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu xem khả năng lây nhiễm, cũng như mức độ nghiêm trọng hoặc các đặc điểm khác của virus có thay đổi hay không dựa trên các chuỗi gene được thu thập từ một số bệnh nhân. Trên thực tế, đậu mùa khỉ vốn được cho là bệnh hiếm gặp và khó lây, nhưng đợt bùng phát hiện tại cho thấy sự gia tăng tần suất của dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân là tỷ lệ con người nhiễm virus do tiếp xúc với động vật, hay còn được gọi là lan truyền từ động vật đã trở nên phổ biến hơn trong những thập kỷ gần đây. Quá trình đô thị hóa và phá rừng ngày càng gia tăng đồng nghĩa với việc con người và động vật hoang dã tiếp xúc thường xuyên hơn. Giờ đây, những mầm bệnh được cho là tương đối hiếm ngày càng có nhiều cơ hội xâm nhập vào các cộng đồng mới, tìm vật chủ mới và đến những nơi mới. Do đó, virus đậu mùa khỉ sẽ sớm trở thành đại dịch tiếp theo sau Covid-19 nếu như thế giới không kịp thời ngăn chặn.

Mỹ sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh

Người đứng đầu Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) Xavier Becerra cho biết, Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra phản ứng ở cấp độ tiếp theo trong việc giải quyết loại virus này, và đây cũng là cách kêu gọi người dân Mỹ nhìn nhận nghiêm túc hơn về bệnh đậu mùa khỉ. Tuyên bố trên của HHS được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với những lời chỉ trích về khả năng sẵn sàng cung cấp vaccine đậu mùa khỉ. Theo đó, các phòng khám ở các thành phố lớn như New York và San Francisco đều nhận đủ vaccine hai mũi để đáp ứng nhu cầu và một số nơi đã phải ngừng cung cấp liều thứ hai để bảo đảm cung cấp phủ rộng cho liều đầu tiên.

Đầu tuần này, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bổ nhiệm hai quan chức liên bang để điều phối các hoạt động ứng phó của chính quyền đối với bệnh đậu mùa khỉ, sau khi California, Illinois và New York tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chuyên gia về luật sức khỏe cộng đồng tại Đại học Georgetown, ông Lawrence Gostin nhấn mạnh rằng, đây là một bước đi quan trọng của Mỹ trong việc ngăn chặn dịch bệnh.

Virus đậu mùa khỉ có các triệu chứng nhẹ bao gồm sốt, đau nhức và tổn thương da với những mụn mủ. Bệnh có xu hướng khỏi trong vòng từ hai đến bốn tuần, và nó lây lan qua tiếp xúc cơ thể gần và trước đây hiếm khi gây tử vong. Song, hiện nay ở các nước khác đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do virus này gây ra. Do đó, rút ra bài học từ đại dịch Covid-19, Mỹ đã nhanh chóng ban bố tình trạng khẩn cấp để có thể kịp thời kìm hãm sự lấy lan của đại dịch

Nhiều tổ chức y tế khác đã đưa ra các tuyên bố tương tự như tuyên bố của HHS.California, Illinois, New York, San Francisco và San Diego đều đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về căn bệnh này trong tuần trước. Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu - mức báo động cao nhất nhằm kích hoạt phản ứng quốc tế phối hợp và mở khóa tài trợ để hợp tác về vaccine, cũng như phương pháp điều trị.

Nguồn: BBC

Nguồn: BBC

Củng cố cách tiếp cận vaccine

Khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, HHS có thể rút từ quỹ khẩn cấp, thuê hoặc chỉ định nhân viên để đối phó với đợt bùng phát và thực hiện các bước khác để kiểm soát virus đậu mùa khỉ. Chính phủ liên bang cũng có thể đề nghị các quan chức y tế của tiểu bang và địa phương cung cấp thông tin từ những người đang bị nhiễm bệnh và những người đang được tiêm chủng. Thông tin đó có thể được sử dụng để hiểu rõ hơn về cách dịch bệnh bùng phát và vaccine hoạt động hiệu quả như thế nào.

Hiện nay, với sự lây lan nhanh chóng của virus đậu mùa khỉ cùng với sự thiếu hụt liều vaccine Jynneos - được cho là chìa khóa chống lại căn bệnh này, khiến cho các quan chức Mỹ phải có những hành động cấp thiết và giúp cho người dân tiếp cận vaccine một cách nhanh chóng và đồng đều hơn. Các quan chức cho biết, chính phủ Mỹ đã phân phối 600.000 liều vaccine Jynneos của Bavarian Nordic và 14.000 liều điều trị TPOXX của Siga Technologies. Hai liều tiêm được tiêm cách nhau 28 ngày, hiện đang được tiêm cho những người mà họ nghĩ rằng vừa bị phơi nhiễm, đây như một biện pháp để ngăn ngừa các triệu chứng.

Bên cạnh đó, Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ Robert Califf cho biết, các nhà quản lý đang xem xét một cách tiếp cận sẽ mới, cho phép các chuyên gia y tế tiêm chủng cho tối đa năm người với mỗi lọ Jynneos, thay vì một người như trước đây. Các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ sử dụng một mũi tiêm nông hơn dưới da, thay vì tiêm vào các mô sâu dưới da hiện được khuyến nghị trong nhãn của vaccine. Cách tiếp cận này được gọi là tiết kiệm liều lượng, đặc biệt trong bối cảnh thiếu vaccine như hiện nay.

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2015, các quan chức y tế đã chỉ ra rằng, vaccine Jynneos được sử dụng theo cách tiết kiệm trên vẫn có hiệu quả trong việc kích thích hệ thống miễn dịch như khi kim đâm sâu hơn vào các mô khác. Song, các chuyên gia cũng thừa nhận rằng, họ vẫn đang thu thập thông tin về việc sử dụng một hoặc hai liều đầy đủ thông thường có tác dụng như thế nào đối với sự bùng phát dịch bệnh lần này. Ông Robert Califf cho biết thêm, các quan chức Mỹ hiện đang tiếp tục bàn bạc về một số cách tiếp cận khác và quyết định có thể sẽ được đưa ra trong vài ngày tới. Quyết định đó sẽ cần chính phủ ra thêm một tuyên bố mới về sức khỏe cộng đồng để cho phép chính phủ thay đổi hướng dẫn về cách quản lý vaccine.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/my-tang-toc-ung-pho-dau-mua-khi-i297296/