Nam Định: Tăng cường phòng chống đuối nước ở trẻ em

Nam Định nằm ở phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, có 72 km bờ biển, nhiều sông lớn chảy qua và có nhiều kênh, mương, ao, hồ, đầm đan xen khắp nơi nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Trên địa bàn tỉnh, một số nơi vẫn còn tình trạng trẻ em bị đuối nước - tập trung cao điểm vào dịp hè.

Nguyên nhân trẻ em bị đuối nước chủ yếu là môi trường sống xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn như bờ biển dài, hệ thống sông, ngòi, ao, hồ chằng chịt, thiếu biển cảnh báo.

Đồng thời, do nhận thức, hiểu biết chung của gia đình và cộng đồng về phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ chưa cao; thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn với trẻ (trong khi trẻ em thường hiếu động, hay tự do chơi nhất là trong dịp hè. Nhiều em chưa biết bơi, thể lực yếu, không có kỹ năng tự cứu đuối khi bị rơi xuống nước).

Lớp dạy bơi cho học sinh Trường THPT Ngô Quyền tại Bể bơi Trần Khánh Dư (TP Nam Định).

Lớp dạy bơi cho học sinh Trường THPT Ngô Quyền tại Bể bơi Trần Khánh Dư (TP Nam Định).

Để bảo đảm an toàn cho trẻ em, giảm thiểu, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT), đặc biệt tử vong do đuối nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của tỉnh về bảo vệ trẻ em; đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa TNTT, phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Cụ thể, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 5/10/2021 về phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 15/7/2022 về việc triển khai chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030; hàng năm, vào dịp hè đều ban hành công văn chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống TNTT, tai nạn đuối nước trẻ em. Ngoài ra, hàng năm vào các dịp cao điểm có nguy cơ xảy ra TNTT cao (dịp hè), tỉnh đều ban hành công văn chỉ đạo tăng cường thực hiện phòng chống TNTT, đặc biệt là đuối nước trẻ em.

Nội dung các văn bản nêu rõ từ công tác chỉ đạo đến việc thực hiện phòng chống đuối nước trẻ em, như: đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em; tuyên truyền, vận động người dân, gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão và giông lốc; chủ động đưa trẻ đến các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Chỉ đạo các cơ quan chức năng cung cấp thông tin kịp thời, cảnh báo những địa điểm, khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước cho người dân và trẻ em. Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống TNTT, đuối nước trẻ em. Tổ chức kiểm tra, rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống đuối nước trẻ em.

Hướng dẫn thực hành sơ cứu người bị tai nạn đuối nước tại Bể bơi Cung Thể thao tỉnh (TP. Nam Định).

Hướng dẫn thực hành sơ cứu người bị tai nạn đuối nước tại Bể bơi Cung Thể thao tỉnh (TP. Nam Định).

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, gia đình và trẻ em về phòng chống đuối nước; tuyên truyền, vận động gia đình quan tâm, giám sát, chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phổ biến các kiến thức cơ bản về đuối nước, các nguy cơ gây đuối nước trẻ em, cách phòng tránh và sơ cứu đúng cách...

Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức các lớp dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho 720 trẻ em; tập huấn nâng cao nhận thức về phòng, chống đuối nước trẻ em cho 900 người là giám hộ, phụ huynh, giáo viên mầm non, cán bộ xã, các gia đình có trẻ em dưới 15 tuổi.

Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, các cấp bộ đoàn, hội, đội toàn tỉnh phấn đấu tổ chức 100 hoạt động tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích, phòng, chống xâm hại trẻ em, 60 lớp dạy bơi miễn phí dành cho thiếu nhi, tổ chức tối thiểu 1 trại hè, trại kỹ năng dành cho thiếu nhi, vận động, trao tặng bể bơi di động, bể bơi cố định.

Nhằm góp phần giảm thiểu TNTT, đuối nước ở trẻ, các cấp bộ đoàn, hội, đội trong tỉnh đã quan tâm tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức lối sống, các hoạt động vui chơi, giải trí, các hoạt động bồi dưỡng năng khiếu văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và các hoạt động trải nghiệm, nâng cao năng lực ngoại ngữ dành cho thiếu nhi.

Đến nay, toàn tỉnh đã cắm được hơn 200 biển cảnh báo khu vực dễ xảy ra đuối nước; mở hàng chục lớp tập huấn nâng cao kỹ năng dạy bơi cho trẻ em khắp các địa phương song song với việc nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống đuối nước.

Để phòng tránh tai nạn đuối nước và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại từ các vụ việc đuối nước, các cơ quan chức năng của tỉnh đã đề ra các giải pháp cần tập trung trong thời gian tới như sau:

- Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức đoàn thể và người dân trong việc phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em.

- Gia đình, nhà trường và cộng đồng cần dạy cho trẻ em biết được mối nguy hiểm của đuối nước, không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố; không được đi tắm, bơi ngoài biển, sông, ao hồ,… mà không có người lớn biết bơi đi kèm và phao bơi an toàn.

- Các cơ quan chức năng cần bố trí các biển cảnh báo, biển cấm và các giải pháp để bảo đảm an toàn như làm rào chắn, chặn lối vào các khu vực dễ xảy ra đuối nước như: sông, ao, hồ, hố sâu, thác nước, nơi dễ bị trượt, ngã nguy hiểm.

- Gia đình, nhà trường và cộng đồng tăng cường tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ em, trang bị cho trẻ em những kiến thức cần thiết để tự cứu mình khi bị rơi xuống nước.

- Phụ huynh (người lớn) cần trang bị cho mình về kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, lấy dị vật đường thở,… để có thể sơ cứu người bị đuối nước.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm an toàn phòng, chống TNTT, đuối nước cho trẻ em; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các các tổ chức, cá nhân và xử lí nghiêm theo quy định đối với các vụ việc gây tử vong trẻ em do TNTT, đuối nước.

Tỉnh cũng đề ra mục tiêu, phấn đấu giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030; có 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2025 và 60% vào năm 2030; đến năm 2025 có 70% cán bộ cấp xã, công chức, viên chức, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tỷ lệ này là 90% vào năm 2030.

Hạnh Lê

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/nam-dinh-tang-cuong-phong-chong-duoi-nuoc-o-tre-em-d5761.html