Nam thanh niên ho suốt 1 tháng, khi vào viện phải thở máy

Khi vào khoa Hồi sức tích cực, thanh niên 21 tuổi rơi vào trạng thái hôn mê, phải đặt ống thở máy và được chẩn đoán lao toàn thể (lao não - màng não, lao phổi).

 Nam thanh niên 21 tuổi nhập viện sau khi sốt, ho và đau đầu kéo dài suốt một tháng. Ảnh: Line.

Nam thanh niên 21 tuổi nhập viện sau khi sốt, ho và đau đầu kéo dài suốt một tháng. Ảnh: Line.

ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết gần đây, đơn vị này tiếp nhận nam thanh niên 21 tuổi trong tình trạng sốt, ho và đau đầu kéo dài suốt một tháng.

Khi vào khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, phải đặt ống thở máy và được chẩn đoán lao toàn thể (lao não - màng não, lao phổi).

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân này gặp tình trạng trào ngược dịch dạ dày qua ống nội khí quản. Nội soi phế quản tại giường ghi nhận hình ảnh viêm phù nền thành phế quản, kèm theo sự hiện diện của nhiều dịch dạ dày. Nội soi dạ dày sau đó các bác sĩ phát hiện lỗ rò khí - thực quản, nghi ngờ nguyên nhân từ lao.

Theo bác sĩ Phúc, sau khi hội chẩn với các chuyên khoa Thăm dò chức năng và Ngoại lồng ngực, nam bệnh nhân được chỉ định mở thông dạ dày để nuôi ăn, mở khí quản và điều trị nội khoa tích cực.

 Bệnh nhân 21 tuổi bị lao, phải được điều trị tích cực bằng nhiều biện pháp hồi sức chuyên sâu. Ảnh: BSCC.

Bệnh nhân 21 tuổi bị lao, phải được điều trị tích cực bằng nhiều biện pháp hồi sức chuyên sâu. Ảnh: BSCC.

Sau hai tuần, tình trạng viêm quanh lỗ rò thực quản giảm rõ rệt. Bệnh nhân được đóng lỗ rò thành công bằng phương pháp nội soi.

Qua một tháng điều trị chuyên sâu, với sự phối hợp chặt chẽ của các bác sĩ và kỹ thuật viên phục hồi chức năng, bệnh nhân đã được rút mở khí quản, tự đi lại trong phòng bệnh. Hiện thanh niên này được xuất viện trong trạng thái ổn định để tiếp tục điều trị ngoại trú.

ThS.BS Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể phổ biến nhất (chiếm 80-85% tổng số ca bệnh). Đây cũng là nguồn lây chính cho người xung quanh.

Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Lao kháng thuốc là mối đe dọa nghiêm trọng về y tế công cộng. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người không qua khỏi vì bệnh lao (báo cáo của WHO năm 2020).

Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do hít phải các hạt khí dung trong không khí có chứa vi khuẩn lao. Các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi.

Nhiều người thường bỏ qua những dấu hiệu của bệnh lao, đến khi phát hiện thì đã vào giai đoạn nặng, phải mất nhiều thời gian để điều trị. Do đó, việc sớm nhận biết những triệu chứng mắc bệnh trong giai đoạn đầu sẽ giúp kiểm soát bệnh dễ dàng hơn.

Các triệu chứng điển hình của bệnh lao bao gồm:

Ho dai dẳng kéo dài hơn 3 tuần và thường khạc ra đờm, có thể có máu giảm cân
Đổ mồ hôi đêm
Sốt cao
Mệt mỏi
Ăn mất ngon
Sưng ở cổ

Mọi người nên đi khám nếu ho kéo dài hơn 3 tuần hoặc ho ra máu. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi, bạn sẽ lây nhiễm trong khoảng 2-3 tuần sau quá trình điều trị.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nam-thanh-nien-ho-suot-1-thang-khi-vao-vien-phai-tho-may-post1514673.html