Nan giải xử lý rác

Mấy tuần nay, bãi rác An Hiệp (xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) bị quá tải, bốc mùi, tràn nước ra môi trường ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân. Không chỉ Bến Tre, nhiều địa phương khác ở miền Tây như Vĩnh Long, Long An, Trà Vinh, xử lý rác thải cũng đang là vấn đề nan giải.

Quá tải rác thải

Là nơi tập trung rác thải chủ yếu của TP Bến Tre và một số địa phương lân cận, bãi rác An Hiệp có diện tích khoảng 4,8ha. Mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng gần 200 tấn rác thải và được tiến hành xử lý bằng cách chôn lấp, phủ bạt. Tuy nhiên, những ngày qua, mưa lớn cùng rác tích tụ lâu ngày khiến mùi hôi thối bốc lên, ảnh hưởng tới hơn 100 hộ dân xung quanh. Đặc biệt, nước thải của bãi rác cũng bị tràn ra ngoài, tác động xấu tới môi trường và làm ô nhiễm nhiều khu vực nuôi tôm của người dân.

Sau nhiều lần phản ánh không hiệu quả, nhiều người dân đã căng băng rôn ngăn không cho xe rác chạy vào bãi An Hiệp. Tỉnh Bến Tre cũng đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về môi trường liên quan tới rác thải.

Ông Huỳnh Văn Châu (xã An Hiệp) cho biết, gia đình ông ở gần bãi rác, sinh sống bằng nghề nuôi tôm. Tuy nhiên khoảng 3 tháng nay, các ao nuôi bị ô nhiễm nặng. “Vài năm trước nuôi tôm rất ổn nhưng gần đây nước bị nhiễm bẩn, tiền chi phí cải tại ao tăng dần. Nay độ ô nhiễm ngày càng nặng. Nước thải đen kịt rỉ ra từ bãi rác, ngấm vào đất. Giờ thì chưa biết khi nào mới dám nuôi tôm trở lại. Mà không chỉ nước bề mặt nuôi tôm, nước ngầm quanh đây cũng ô nhiễm lắm, không ai dám sử dụng” - ông Châu nói.

Không riêng tỉnh Bến Tre, tình trạng quá tải rác thải, thiếu nhà máy xử lý rác diễn ra ở nhiều địa phương khu vực miền Tây Nam bộ.

Ông Nguyễn Tấn Thuấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho biết, xử lý rác thải là vấn đề nan giải của địa phương. Mỗi ngày tỉnh Long An thu gom khoảng 800 tấn rác thải nhưng công suất của nhà máy xử lý rác thải của tỉnh nằm ở huyện Thạnh Hóa chỉ đạt 300 tấn/ngày. Vì vậy, dù hoạt động hết công suất nhưng tỉnh Long An vẫn phải tiến hành chôn lấp, phủ bạt lượng rác thải thu gom ở bãi rác Thạnh Hóa do xử lý không kịp nhu cầu thải ra. Hiện nay tại bãi rác này đang có 30.000 tấn rác chôn lấp, chưa được xử lý. Theo tìm hiểu của phóng viên, dù không gây ô nhiễm nặng nề như trên địa bàn tỉnh Bến Tre nhưng với việc xử lý rác hiện nay, vấn đề tác động tới môi trường có thể sẽ phát sinh thời gian tới.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, khi lượng rác thải thu gom mỗi ngày vài trăm tấn nhưng chưa thể xử lý.

Bãi rác An Hiệp ở Bến Tre gây ô nhiễm môi trường.

Bãi rác An Hiệp ở Bến Tre gây ô nhiễm môi trường.

Gian nan tìm giải pháp

Tình trạng rác thải gây ô nhiễm ở các tỉnh miền Tây, vốn là khu vực nông thôn nhưng có tốc độ đô thị hóa nhanh đã báo động vài năm qua. Trong đó, nan giải nhất là quy trình xử lý rác thải. Theo đó, dù các tỉnh đều xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo tiêu chuẩn cao (phân loại, đốt, thậm chí sản xuất rác thành phân bón…) nhưng do chi phí xây dựng lớn, chi phí vận hành đắt đỏ nên các nhà máy này đều tạm ngừng hoạt động, hoặc công suất thấp. Những năm qua, phần lớn rác thải đều được xử lý bằng cách chôn lấp, phủ bạt, phun hóa chất khử mùi… Tuy nhiên đây là phương pháp xử lý thô sơ, khiến cho khối lượng rác thải tồn đọng ngày càng lớn. Dù chưa có thống kê chính xác nhưng những bãi rác ở miền Tây đều có hàng nghìn tấn rác tập kết.

Trở lại tình trạng bãi rác An Hiệp, ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre cho biết, cơ quan chức năng đã tiến hành gia cố, trám vào các vị trí nước thải bị rò rỉ ra ngoài. Song song với đó là xây tường cao, phủ bạt, phun khử khuẩn để ngăn chặn mùi rác thải phát sinh bay vào khu dân cư.

Theo ông Tuấn, hiện công tác xử lý đã đạt khoảng 90% và tới ngày 17/8 sẽ hoàn thành việc ngăn chặn ô nhiễm ở bãi rác lan ra bên ngoài.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phương án xử lý tạm thời ngăn chặn tình trạng ô nhiễm ở bãi rác này còn về lâu dài, tỉnh đang tiến hành xây dựng nhà máy xử lý rác bằng phương pháp đốt điện có công suất 650 tấn/ngày với nguồn vốn 1.500 tỷ đồng. Theo kế hoạch, phải tới năm 2026 dự án mới hoàn thành.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nan-giai-xu-ly-rac-5725442.html