Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP để xuất khẩu

Với mục tiêu nâng hạng, hướng tới thị trường xuất khẩu, sau khi được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận chất lượng OCOP, nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất đã mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, đổi mới bao bì, mẫu mã sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của HTX nấm Tam Đảo được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh Thế Hùng

Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của HTX nấm Tam Đảo được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh Thế Hùng

Hết năm 2021, toàn tỉnh có 61 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận chất lượng OCOP. Mới đây, Sở NN&PTNT đã khai trương 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đồng thời, lựa chọn được 65 ý tưởng sản phẩm của 30 chủ thể tham gia OCOP năm 2022.

Để các cơ sở sản xuất nâng hạng OCOP, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 53/2021 "Quy định mức hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc", trong đó quy định các cá nhân, đơn vị có sản phẩm được công nhận OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ kinh phí đầu tư dây chuyền, công nghệ mới phục vụ sản xuất; hỗ trợ quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP, tham gia xúc tiến thương mại, xây dựng website quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm.

Cùng với đó, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các chủ thể là các HTX, DN tham gia hội chợ OCOP tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước; tập huấn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Qua đó, giúp các chủ thể xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Sau gần 3 năm đạt OCOP 3 sao, sản phẩm thanh long ruột đỏ (huyện Lập Thạch) tiếp tục mở rộng diện tích, đầu tư thêm các hạng mục, nâng hạng chất lượng sản phẩm. Ngoài 100 ha đã trồng từ năm 2011, nay phát triển thêm 200 ha được trồng mới theo giai đoạn 2018- 2021 bắt đầu cho thu hoạch.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, huyện đã hình thành được vùng sản xuất thanh long ruột đỏ chuyên canh hàng hóa tại 5 xã Vân Trục, Ngọc Mỹ, Xuân Hòa, Quang Sơn, Hợp Lý phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ gắn với thương hiệu “Thanh long ruột đỏ Lập Thạch” và từng bước kết hợp phát triển du lịch sinh thái tâm linh gắn với vùng sản xuất thanh long ruột đỏ; xây dựng quy trình sản xuất sạch gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, thanh long ruột đỏ ngày càng tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu, hiện, huyện Lập Thạch đã quy hoạch được 3 vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã Code với diện tích 70 ha; 50 ha thanh long ruột đỏ được chứng nhận VietGAP; đang kết nối với 1 DN chuẩn bị các thủ tục, điều kiện cần thiết, dự kiến xuất khẩu thanh long sang thị trường EU vào tháng 5, tháng 6/2022.

Đồng thời, phối hợp xây dựng khu chế biến bảo quản thanh long ruột đỏ sau thu hoạch, lắp đặt các trạm quan trắc thời tiết thông minh, đổi mới thiết kế bao bì sản phẩm.

Tháng 2/2021, HTX chăn nuôi Bình Minh (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch) đón nhận niềm vui khi 2 sản phẩm: Xúc xích và thịt lợn thảo quế được UBND tỉnh công nhận đạt chất lượng 3 sao.

Anh Mạc Tuấn Hải, Giám đốc HTX cho biết: Hướng tới mục tiêu nâng hạng sản phẩm OCOP lên 4 sao, HTX đã đổi mới quy trình chăn nuôi theo hướng trang trại chăn nuôi xanh tuần hoàn, thân thiện môi trường, qua đó, tạo ra thịt lợn an toàn, giàu dinh dưỡng; đồng thời nghiên cứu công thức, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản xuất, chế biến xúc xích tươi mang hương vị thảo quế đặc trưng.

Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính như thành phố Hà Nội, HTX luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Toàn bộ quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chí 3 không gồm: "Không sử dụng thức ăn cám công nghiệp, không sử dụng thuốc kháng sinh, không sử dụng các chất kích thích sinh trưởng". Ngoài ra, việc kết hợp giữa cho ăn và tắm thảo dược giúp thịt lợn có mùi đặc trưng khác hẳn so với sản phẩm thịt lợn thông thường.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, khẳng định thương hiệu trên thị trường, các sở, ngành, địa phương tăng cường tham mưu, chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý trên cơ sở phát huy hiệu quả chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm đã có, thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm; tập trung xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP chủ lực; quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ các chủ thể triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào SXKD các sản phẩm OCOP, nhất là ứng dụng các công nghệ sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; quy hoạch, bảo tồn, phát triển các vùng sản xuất với các cây, con đặc sản để tạo ra sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76898/nang-cao-chat-luong-cac-san-pham-ocop-de-xuat-khau.html