Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

ĐBP - Nhận thức được vị trí, vai trò của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp, những năm qua, việc xây dựng đội ngũ CBCCVC đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Cán bộ bộ phận “Một cửa” huyện Điện Biên Đông giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Hiện nay, tổng số CBCCVC toàn tỉnh 24.461 người; trong đó, cấp tỉnh gần 7.400 người, cấp huyện trên 14.600 người và cấp xã gần 2.600 người. Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo, xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể từng chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín; đồng thời, xây dựng, hoàn thiện quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, tránh tình trạng cục bộ, khép kín, từng bước ngăn chặn lỗ hổng, khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, từng bước đổi mới công tác đánh giá cán bộ, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách nhiệm vụ theo vị trí việc làm của CBCCVC làm thước đo chính để đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ. Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng; điều động, bổ nhiệm; tổ chức thi nâng ngạch, thăng hạng; đánh giá, phân loại CBCCVC của tỉnh được thực hiện theo đúng quy định; trong đó, tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng theo chuyên đề, vị trí việc làm, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế... góp phần bổ sung, chuẩn hóa đội ngũ CBCCVC theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, cơ cấu ngạch, bậc chức danh quy hoạch.

Nhìn chung, đến nay đội ngũ CBCCVC của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, cơ bản đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Việc sử dụng đội ngũ CBCCVC cũng có nhiều thay đổi, sáng tạo, phù hợp với tình hình mới. Việc bố trí, tạo môi trường làm việc, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, đào tạo, bồi dưỡng được tiến hành thường xuyên; chú trọng chất lượng “đầu vào” thông qua tuyển dụng cạnh tranh, chú ý đến những nhân tố mới có tuổi đời trẻ và có năng lực, phẩm chất, bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính các cấp.

Kết quả tổng hợp cho thấy, về trình độ chuyên môn đối với CBCCVC cấp tỉnh, huyện có 69,37% có trình độ đại học trở lên (trong đó, trên đại học chiếm 6,14% và đại học chiếm 63,23%); lý luận chính trị (cao cấp, cử nhân chiếm 2,29%; trung cấp chiếm 13,24%). Những năm gần đây, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được nâng lên về chất lượng và số lượng, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tổng số cán bộ, công chức đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ từ sơ cấp (đối với cán bộ), từ trung cấp (công chức) trở lên chiếm 97,37%; trong đó, công chức đạt chuẩn về chuyên môn từ trung cấp trở lên đạt 100%, cán bộ cấp xã đạt chuẩn về chuyên môn từ sơ cấp trở lên đạt 94,61%. Về lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 55,37%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC của tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn. Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ cho rằng: Đó là công tác xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC chưa đạt kết quả cao. Năng lực của một bộ phận người, nhất là ở cơ sở còn hạn chế, chưa thực sự ngang tầm với vai trò, vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao. Việc đào tạo, bồi dưỡng từng lúc, từng nơi chưa gắn với quy hoạch, chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu nâng cao năng lực làm việc theo chức danh, vị trí việc làm. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một bộ phận CBCCVC trong quá trình thực thi công vụ có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân và doanh nghiệp; việc đánh giá, phân loại chưa phản ánh thực tế về phẩm chất, năng lực của đội ngũ này...

Những tồn tại nêu trên xuất phát từ nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị về tuyển dụng, đào tạo, sử dụng còn hạn chế, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách theo quy định. Việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác tuyển dụng, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực còn gặp khó khăn do không đủ nguồn lực. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Còn một bộ phận CBCCVC có biểu hiện chạy theo bằng cấp, chưa tập trung học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực chuyên môn.

Bài, ảnh: Quốc Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/191502/nang-cao-chat-luong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc