Nâng cao chất lượng công tác giám sát

ĐBP - Hoạt động giám sát của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp giám sát theo hướng thiết thực và hiệu quả. Nội dung giám sát được lựa chọn, mang tính bao quát, tập trung vào những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, những vấn đề lớn, có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Tuy nhiên, tại một số địa phương, hoạt động giám sát còn lúng túng, mang tính hình thức; hiệu quả, chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát công trình, dự án trên địa bàn huyện Nậm Pồ năm 2022.

Thời gian qua, các nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực: kinh tế tài chính, địa chính, tư pháp, thương binh - xã hội, giảm nghèo, việc thực hiện cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ, việc thi công các công trình, dự án... Quá trình giám sát, đại biểu HĐND dành nhiều thời gian khảo sát thực tế cơ sở, các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã được thụ hưởng chính sách. Qua đó đã nắm bắt kịp thời những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; đề xuất xây dựng và điều chỉnh các chính sách phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh.

Đơn cử, qua cuộc giám sát của HĐND tỉnh về “Việc triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 và Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2016 - 2020”, đoàn giám sát đã nêu rõ công tác quản lý Nhà nước ở một số địa phương chưa được chú trọng dẫn đến việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn lúng túng; việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải thể hợp tác xã còn chậm, dẫn đến nhiều hợp tác xã chưa giải thể được; việc hướng dẫn thủ tục cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa kịp thời, có nội dung chưa phù hợp. Việc hỗ trợ hợp tác xã thành viên tiếp cận các chính sách hạn chế… Đoàn giám sát cũng chỉ rõ: Để xảy ra hạn chế trên, có trách nhiệm của UBND tỉnh, các sở, ngành (Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố...).

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên. Trong đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể từ tỉnh đến cơ sở; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, chính sách cho phù hợp với thực tế của tỉnh. Rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện tốt nhất cho các hợp tác xã phát triển, xây dựng các mô hình hợp tác xã điển hình; tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn phát triển; quan tâm giới thiệu, liên kết, xây dựng sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP...

Tuy đã có nhiều đổi mới song hoạt động giám sát của HĐND các cấp, nhất là cấp xã vẫn còn tồn tại cần khắc phục. Một số địa phương chưa chú trọng việc xây dựng chương trình, kế hoạch, chưa chủ động tổ chức hoạt động giám sát. Có địa phương lúng túng trong xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức, tổ chức lực lượng giám sát. Mặt khác, nhiều đại biểu HĐND, nhất là cấp xã chưa nắm vững các chính sách, pháp luật liên quan vấn đề phải giám sát, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, chương trình mục tiêu... nên việc giám sát còn hạn chế, thiếu những ý kiến đánh giá sắc sảo, thuyết phục. Nội dung hoạt động giám sát chưa toàn diện, các cuộc giám sát chưa đi sâu những lĩnh vực mà dư luận xã hội có nhiều bức xúc như: Xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, điều hành và quản lý ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu còn kiêm nhiệm; vẫn còn tình trạng né tránh, nể nang, ngại va chạm của một số đại biểu HĐND.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, đại biểu HĐND cần tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, nhất là các đại biểu mới tham gia; kịp thời cập nhật thông tin đầy đủ về các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng và những vấn đề cử tri quan tâm ở cơ sở. HĐND các cấp cần thực hiện tốt việc lựa chọn nội dung, xác định phạm vi và đối tượng giám sát. Kết quả giám sát phải được công khai; sau giám sát cần theo dõi, đôn đốc đến cùng việc thực hiện các kiến nghị để đánh giá đúng kết quả, hiệu lực giám sát.

Bài, ảnh: Quốc Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/203603/nang-cao-chat-luong-cong-tac-giam-sat