Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế rừng

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đến nay, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh cơ bản được trồng phủ kín, chất lượng rừng được nâng lên; phát huy tác dụng phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường (BVMT) và từng bước nâng cao giá trị từ rừng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế ở địa phương.

Lực lượng Kiểm lâm hướng dẫn chủ rừng các biện pháp chăm sóc cây rừng hiệu quả

Lực lượng Kiểm lâm hướng dẫn chủ rừng các biện pháp chăm sóc cây rừng hiệu quả

Cụ thể hóa Chỉ thị số 13, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 35, trong đó xác định 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR).

Từ năm 2017-2022, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành gần 50 văn bản chỉ đạo, UBND cấp huyện ban hành trên 300 văn bản về công tác quản lý, BV&PTR; toàn tỉnh đã triển khai 98 hội nghị cho 8.100 lượt người, 97 lớp tập huấn với hơn 13 nghìn lượt người tham gia.

Cấp phát gần 68 nghìn tờ gấp, đăng tải trên 40 văn bản, hỏi đáp pháp luật phổ biến các nội dung về quản lý, BV&PTR. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong công tác quản lý, BV&PTR.

Tỉnh đã thực hiện quy hoạch BV&PTR đến năm 2025 theo quy định; triển khai quy hoạch phát triển lâm nghiệp gắn với quy hoạch, định hướng phát triển KT-XH của địa phương.

Đối với rừng phòng hộ ít xung yếu, tiến hành rà soát, chuyển đổi đất, rừng sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với quy hoạch điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; phân định, đánh mốc ranh giới các loại rừng trên bản đồ và thực địa đến đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.

Đến nay, toàn tỉnh đã điều tra, xác lập, phân định ranh giới rừng, lập hồ sơ cắm 941 mốc và 80 bảng trên bản đồ và thực địa; cơ bản thực hiện xong việc giao rừng đồng bộ với giao đất.

Nhằm nâng cao giá trị của rừng, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng rừng theo các chương trình dự án và tự đầu tư; ưu tiên phân bổ ngân sách hỗ trợ đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; khuyến khích các chủ rừng sử dụng các giống cây lâm nghiệp mới được lai tạo bằng công nghệ nuôi cấy mô, hom.

5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư 161 tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; trồng được 128 ha rừng phòng hộ đầu nguồn; trồng lại rừng sau khai thác (rừng sản xuất) gần 4.000 ha; khảo nghiệm 22 mô hình cây keo lai; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên 205 ha rừng/năm; thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế gần 195 ha.

Công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp được thực hiện quyết liệt.

Từ năm 2017 đến nay, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 50 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, BVR với 62 đối tượng; lực lượng kiểm lâm tổ chức thanh tra, kiểm tra 404 cuộc đối với 1.664 đối tượng. Qua đó, đã xử lý vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng; xử lý hình sự 8 vụ với 12 đối tượng.

Đại diện của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư, nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đối với công tác quản lý, BV&PTR được nâng cao.

Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 24,1% (năm 2017) lên 25% (năm 2022) đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra; giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt trên 103 tỷ đồng/năm và tăng trưởng bình quân đạt 3,9% góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, BVMT sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, BV&PTR trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như chồng lấn, xâm lấn diện tích đất quy hoạch cho rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Tam Đảo và Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Đông Bắc Bộ với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhưng chưa giải quyết được dứt điểm, gây trở ngại, khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như tổ chức quản lý, sản xuất của các tổ chức, cá nhân và chính quyền địa phương sở tại; chưa thu hút được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp; tình trạng mua bán đất rừng trái phép, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng còn diễn ra; các vụ cháy rừng đã được cơ quan chức năng điều tra, xác minh nhưng chưa tìm ra thủ phạm gây cháy rừng để xử lý theo quy định của pháp luật…

Để bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, giữ ổn định độ che phủ rừng của tỉnh ở mức 25% đến năm 2025; BVMT sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cao khả năng cung cấp lâm sản và các dịch vụ môi trường rừng…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Luật Lâm nghiệp; tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh tích hợp, thống nhất với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch đất đai.

Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng trồng, phấn đấu năng suất gỗ đạt 15 m3 /ha/năm trở lên; quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi giữa 3 loại rừng; thu hút các nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ…

Bài, ảnh: Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96519//nang-cao-chat-luong-hieu-qua-kinh-te-rung