Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào 'Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc'

Với hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, bám sát tình hình thực tế, phong trào 'Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc' (TDBVANTQ) thời gian qua có bước phát triển sâu rộng, huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân, hình thành thế trận an ninh nhân dân rộng khắp, từng bước hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật và chủ động ngăn ngừa, xử lý các vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự (ANTT) ngay từ cơ sở.

Xóm Nà Thằn, xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) có 161 hộ dân, 100% hộ là dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 61,1%. Tình hình an ninh chính trị nội bộ và an ninh xã hội cơ bản ổn định, tuy nhiên trước năm 2023, tình hình an ninh nông thôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT. Đặc biệt, trước năm 2023, xóm Nà Thằn được đánh giá là một địa bàn phức tạp về an ninh dân tộc, tôn giáo, bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Nhằm từng bước đưa xóm Nà Thằn ra khỏi diện phức tạp về ANTT, đầu năm 2023, Công an tỉnh triển khai mô hình “Hỗ trợ phát triển kinh tế gắn với hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật” tại xóm.

Đại úy Lương Lục Vũ, Trưởng Công an xã Thạch Lâm cho biết: Triển khai mô hình, cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật; tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia vào phong trào TDBVATTQ, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật tại cơ sở, đồng thời hỗ trợ nguồn lực để các hộ dân từng bước phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định cuộc sống, yên tâm sinh hoạt, gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn. Từ nguồn kinh phí của Công an tỉnh, có 4 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mỗi hộ một cặp lợn nái giống tổng trị giá 15 triệu đồng. Đến nay, cùng với nhiều biện pháp công tác, hiệu quả hoạt động mô hình đã góp phần xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp và đạo lạ khỏi địa bàn, trật tự ổn định, không có các hiện tượng gây mất ANTT, đồng bào nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời tích cực phát triển kinh tế.

Công an xã Quang Hán (Trùng Khánh) phối hợp với Bộ đội Biên phòng trao đổi thông tin bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới.

Công an xã Quang Hán (Trùng Khánh) phối hợp với Bộ đội Biên phòng trao đổi thông tin bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới.

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh trong triển khai công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ, Công an tỉnh phát động và triển khai phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Ban Chỉ đạo 138 các huyện, Thành phố, các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh tổ chức phát động phong trào đến từng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, trong cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị và nhận được sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới nội dung, biện pháp xây dựng phong trào phù hợp với từng lĩnh vực, đặc điểm địa bàn, điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào tôn giáo. Cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường vai trò lãnh đạo đối với công tác xây dựng phong trào; nhận thức, ý thức tự giác tham gia phong trào của các tầng lớp nhân dân, sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện phong trào ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. 100% cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị ban hành nghị quyết, kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác bảo đảm ANTT, trong đó chú trọng công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTT tại địa bàn. Qua đó, 92,66% khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “an toàn về ANTT”.

Ban Chỉ đạo 138 các huyện, Thành phố tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phát động phong trào TDBVANTQ, trong đó tập trung các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Năm 2023 tổ chức 11 hội nghị về mở đợt vận động tập trung xây dựng phong trào TDBVANTQ tại 12 xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp gắn với công tác chuyển hóa địa bàn; tổ chức trên 100 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với hơn 9.800 lượt người tham dự, góp phần thực hiện thành công công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT trên địa bàn; đến tháng 12/2023, 67/67 (100%) xã trọng điểm, phức tạp về ANTT trên địa bàn tỉnh được Bộ Công an ra quyết định công nhận chuyển hóa thành công.

Các đơn vị, địa phương chú trọng đẩy mạnh công tác dân vận của Đảng, dân vận chính quyền nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, không để hình thành điểm nóng, phức tạp gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở; công tác vận động đối tượng truy nã ra đầu thú; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; phòng chống dịch bệnh, thiên tai, bảo vệ tài nguyên môi trường. Vận động đầu thú, thanh loại 48 đối tượng truy nã; vận động thu hồi 97 khẩu súng, 249 viên đạn, 7 quả lựu đạn, 20 linh kiện lắp ráp vũ khí...

Các mô hình phòng, chống tội phạm được xây dựng, kiện toàn phù hợp với đặc thù của các ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương; nhiều mô hình đã và đang phát huy tốt tác dụng, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên về ANTT. Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường có nhiều mô hình sáng tạo góp phần giải quyết tình hình ANTT tại cơ sở, tạo bước chuyển biến cho phong trào TDBVANTQ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang duy trì hoạt động của trên 38 loại mô hình, được nhân rộng tại 1.270 tổ, điểm; năm 2023, các đơn vị, địa phương ra mắt 20 điểm mô hình. Một số mô hình nổi bật được nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như các mô hình: “Camera an ninh”, “Tháp sáng đường quê”, tổ liên gia tự quản về phòng cháy, chữa cháy. Các địa phương tập trung xây dựng mô hình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống, xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như các mô hình: “Làng du lịch cộng đồng tự quản về ANTT” tại xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); “Phát huy vai trò Ban phát triển thôn, xóm trong bảo đảm ANTT” tại xóm Khau Dè, xã Thái Sơn; “Hỗ trợ phát triển kinh tế gắn với hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật” tại xóm Nà Thằn, xã Thạch Lâm (Bảo Lâm).

Lực lượng công an các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả tiêu chí ANTT trong xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung tham mưu ban hành các chủ trương, kế hoạch phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào TDBVANTQ, bảo đảm ANTT ở địa bàn nông thôn, chủ động nắm tình hình, làm tốt công tác bảo đảm an ninh nội bộ, an ninh nông thôn...; giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để khiếu kiện kéo dài và trở thành điểm nóng; bảo đảm các chỉ tiêu trong tiêu chí 19.2 “Giữ vững an ninh trật tự xã hội” trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới; năm 2023 có 117/139 xã đạt tiêu chí về ANTT (chiếm 84,17%).

Theo Đại tá Lương Văn Thiểm, Phó Giám đốc Công an tỉnh, để tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả phong trào TDBVANTQ, góp phần bảo đảm ANTT, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lực lượng công an trên địa bàn tỉnh tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu Ban Chỉ đạo 138 các cấp tập trung đổi mới phương thức xây dựng phong trào TDBVANTQ phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng địa bàn; tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân bằng tiếng dân tộc, địa phương; coi trọng công tác vận động thường xuyên, vận động cá biệt, tranh thủ người có uy tín và phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng phong trào. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ và công tác xây dựng mô hình, lựa chọn xây dựng mô hình phù hợp; coi trọng chất lượng và hiệu quả hoạt động của mô hình, không chạy theo hình thức, số lượng. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng công an xã bán chuyên trách và các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đảm bảo ANTT trên địa bàn trong tình hình mới.

Xuân Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-phong-trao-toan-dan-bao-ve-an-ninh-to-quoc-3169586.html