Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp

Sáng 23.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tăng cường phân cấp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế; kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật gồm 8 Chương, 62 Điều, trong đó: Chương I - Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 6); Chương II - Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Chương III - Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (từ Điều 16 đến Điều 24); Chương IV - Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp (từ Điều 25 đến Điều 32); Chương V - Sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp (từ Điều 33 đến Điều 39); Chương VI - Cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn (từ Điều 40 đến Điều 45); Chương VII - Giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá và báo cáo tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (từ Điều 46 đến Điều 59); Chương VIII – Điều khoản thi hành (từ Điều 60 đến Điều 62).

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Về phạm vi điều chỉnh, Phó Thủ tướng cho biết, thực tế thực hiện Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện hành cho thấy cần thiết điều chỉnh phạm vi theo hướng không quy định cụ thể nội dung “sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp”. Do vậy, tại dự thảo Luật này, việc sử dụng vốn, tài sản được quy định theo hướng “đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”; các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp quyết định nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Về đối tượng áp dụng, trên cơ sở ý kiến đề nghị của các doanh nghiệp, các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan, Chính phủ thống nhất dự thảo Luật không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác vào phạm vi điều chỉnh của Luật và giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước chịu trách nhiệm.

Theo đó, tại Điều 2, dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng gồm doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng chính sách); cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về nguyên tắc, thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế, Chính phủ đề xuất trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, việc quản lý và sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ. Phần còn lại sau khi sử dụng, trích lập các quỹ theo quy định, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước.

Theo phương án này, ước tính số nộp ngân sách nhà nước từ nguồn lợi nhuận, cổ tức được chia sẽ giảm khoảng 19.847 tỷ đồng/năm (theo số quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội phê chuẩn với tổng số nộp ngân sách từ cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp là 69.463 tỷ đồng) và doanh nghiệp được sử dụng nguồn này theo quy định của Chính phủ.

Đối với cơ chế chi tiền lương, tiền thưởng của người lao động tại doanh nghiệp, người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, Chính phủ đề xuất không quy định các nội dung về cơ chế chi trả tiền lương tại dự thảo Luật và quy định tại điểm 15 Điều 12 “Doanh nghiệp được chi trả tiền lương, tiền công, thù lao cho người lao động theo hiệu quả và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

Bảo đảm chỉ tập trung đầu tư vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69).

Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, quy định của dự thảo Luật sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Để hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định cụ thể trong dự thảo Luật để thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, nguyên tắc nêu trên.

Cho rằng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định tại dự thảo Luật đã bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định về doanh nghiệp nhà nước của Luật Doanh nghiệp, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, bên cạnh các doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước, hiện còn có những loại hình doanh nghiệp khác có vốn nhà nước đầu tư mà chưa được quy định trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Do vậy, đề nghị cần xem xét, bổ sung phạm vi quản lý, đầu tư vốn nhà nước để có các quy định có tính nguyên tắc trong dự thảo Luật và đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước này với biện pháp, mức độ quản lý phù hợp.

Về phân phối lợi nhuận và sử dụng Quỹ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, trích lập tối đa 50% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước đầu tư là phù hợp.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Dự thảo Luật cũng đã đã chỉnh lý quy định về mục đích sử dụng Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp theo hướng sẽ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Nhất trí với dự thảo Luật, song Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, bổ sung dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện nội dung này để bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại dự thảo Nghị định cần quy định cụ thể về thẩm quyền, quyết định, phạm vi, nội dung sử dụng Quỹ, bảo đảm nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp.

Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (Chương III), do nội dung này được quy định tại dự thảo Luật chủ yếu đưa ra các nguyên tắc xác định nguồn, phạm vi, điều kiện, hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm đúng tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TƯ.

Theo đó, chỉ tập trung đầu tư vốn vào một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu hoặc lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không đầu tư.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-su-dung-von-nha-nuoc-dau-tu-vao-san-xuat-kinh-doanh-tai-doanh-nghiep-post397223.html