Nâng cao khả năng cạnh tranh, đón dòng vốn đầu tư từ ASEAN

25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đang dần trở thành điểm nóng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu cũng như nguồn vốn đầu tư từ nội khối ASEAN. Đẩy mạnh đầu tư nói chung và của ASEAN nói riêng sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng cường sự gắn kết, nâng cao sức cạnh tranh, sức mạnh của cộng đồng DN trong khối ASEAN.

Việt Nam - Điểm nóng thu hút vốn FDI từ ASEAN

Khi chiến tranh thương mại nổ ra, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 bùng nổ, làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu và trong lúc này ASEAN càng trở thành một điểm đến hấp dẫn của dòng dịch chuyển đầu tư. Các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đang coi ASEAN là một điểm đến thay thế đầy tiềm năng. Chính vì vậy, nhiều nước trong khu vực ASEAN như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines… đã nhanh chóng ban hành nhiều chính sách hấp dẫn để có thể đón đầu được dòng vốn đầu tư dịch chuyển này. Riêng với Việt Nam, với nền kinh tế vĩ mô phát triển nhanh, chính trị ổn định, dân số trẻ và chi phí nhân công khá cạnh tranh, Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia thu hút nhiều vốn FDI nhất trong khu vực ASEAN.

 Việt Nam là nơi có nhiều lợi thế và thu hút lượng vốn đầu tư lớn từ các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore...

Việt Nam là nơi có nhiều lợi thế và thu hút lượng vốn đầu tư lớn từ các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore...

Tính đến nay, vốn FDI đăng ký của các nhà đầu tư từ ASEAN vào Việt Nam đạt khoảng 82,2 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Quy mô bình quân một dự án đầu tư của các nước ASEAN tại Việt Nam đạt 19,9 triệu USD, cao hơn mức trung bình các dự án FDI vào Việt Nam.

Singapore là quốc gia thành viên ASEAN dẫn đầu về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam với 54,9 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 15,5%. Theo sau là Malaysia và Thái Lan với các con số tương ứng là 12,7 tỷ USD và 12,4 tỷ USD. Đây không chỉ là các đối tác đầu tư hàng đầu trong ASEAN, mà cũng là các đối tác đầu tư hàng đầu nói chung của Việt Nam. Cả Singapore, Thái Lan, Malaysia đều đứng trong top 10 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.

Các DN trong khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dệt may, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, bất động sản, các ngành dịch vụ tài chính, bán lẻ...

Ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG (Thái Lan) - cho biết: tại Việt Nam SCG đã đầu tư khoảng gần 4,2 tỷ USD trong đó ngành hóa dầu chiếm lượng vốn đầu tư lớn. Đến nay Dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang hoạt động đúng tiến độ, dự án đang trong quá trình xây dựng và hoàn thành 55% các hạng mục.

Hiện nay, nhiều DN Singapore, Thái Lan, Malaysia... đang tìm hiểu xúc tiến đầu tư vào các tỉnh thành khu vực phía Nam, nhất là tại các tỉnh thành như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các DN quan tâm đến các dự án hạ tầng giao thông, dịch vụ thương mại, bất động sản, nhà ở xã hội, năng lượng mặt trời, xử lý chất thải...

Nâng cao khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư

Trái ngược với xu hướng suy giảm của nhiều quốc gia trên thế giới, dòng vốn FDI đang chảy về ASEAN ngày một tăng, tạo nên một cuộc đua gay gắt giữa các nước trong khu vực với việc trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh: Việt Nam có nhiều điểm cộng để thu hút FDI nói chung và từ khu vực ASEAN nói riêng với việc liên tiếp ký kết các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA, và mới đây nhất là RCEP, sự khống chế thành công dịch Covid-19 của Việt Nam. Lực lượng lao động trẻ và có tính cơ động cao, chi phí lao động thấp hơn và giá thuê các khu công nghiệp trung bình cũng thấp hơn 45 - 50% so với các nước trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Indonesia). Ngoài ra, thuế suất thuế thu nhập DN của Việt Nam hiện ở nhóm thấp nhất Đông Nam Á, cùng với đó, các DN trong các khu công nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, thị thực.

Tuy nhiên, việc cạnh tranh thu hút FDI trong ASEAN cũng sẽ ngày càng gay gắt hơn khi các nước cùng cạnh tranh để nắm bắt cơ hội thu hút dòng dịch chuyển đầu tư toàn cầu. Vì thế Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua này bằng việc ngày càng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc đưa ra các chính sách rõ ràng, minh bạch, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng, quỹ đất sạch, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hệ thống kho bãi.... Chú ý đến tỷ lệ lạm phát, tỷ giá hối đoái ổn định... sẽ là những nhân tố quan trọng để Việt Nam giữ vững vị thế của mình trong thu hút đầu tư của khu vực ASEAN cũng như toàn cầu.

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-cao-kha-nang-canh-tranh-don-dong-von-dau-tu-tu-asean-147762.html