Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong 'kỷ nguyên vươn mình'

Theo các chuyên gia, đối với an ninh phi truyền thống (ANPTT), một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.

Sáng 21.11, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu”.

Khoảng 30 nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống

Theo GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay đã xuất hiện rất nhiều vấn đề ANPTT. Đây là những vấn đề an ninh hình thành dựa trên những tác động, nguy cơ phi quân sự, ví dụ như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh môi trường, nguồn nước...

Theo ông Yêm, ANPTT thực chất là sự nối dài của an ninh quốc gia, của an ninh truyền thống và cấu thành thêm tổng thể của an ninh quốc gia trong điều kiện hiện nay.

Ví dụ trong năm 2024, rất nhiều nguy cơ ANPTT mà gần đây nhất là thiên tai, bão lũ, vấn đề môi trường, an ninh nguồn nước xảy ra trong tháng 9 liên quan đến cơn bão số 3 đi qua các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang, Yên Bái và nhiều địa phương khác; hoặc nhiều cuộc tấn công mạng rất dữ dội nhằm vào các tập đoàn kinh tế lớn của chúng ta như PV Oil, Vinadirec, Tổng công ty VNPost của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam…

Ông Yêm cho rằng qua nghiên cứu, có khoảng 30 nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống đã, đang và sẽ tiếp tục nổi lên thời kỳ hiện nay. Trong đó có 5 nguy cơ đang nổi lên phải lưu tâm:

Thứ nhất, vấn đề tội phạm xuyên quốc gia. Đây là vấn đề xuất hiện ở Việt Nam và nổi lên rất mạnh trong thời gian gần đây như tội phạm ma túy xuyên quốc gia, mua bán người xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế xuyên quốc gia.

Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội

Thứ hai, an ninh kinh tế của Việt Nam. Nguy cơ chệch hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm giảm tăng trưởng kinh tế, rơi vào bẫy thu nhập trung bình; vấn đề nợ công của Nhà nước, địa phương, tội phạm vi phạm về kinh tế, nguy cơ đe dọa an ninh tài chính, an ninh doanh nghiệp.

Thứ ba, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước. Đây là vấn đề gắn liền với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên mà chúng ta vừa chứng kiến một ví dụ là cơn bão số 3 vừa qua.

Thứ tư, an ninh y tế, an ninh sức khỏe liên quan đến an toàn của các cơ sở y tế, an ninh dân số, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính, an toàn thực phẩm…

Thứ năm, các nguy cơ đe dọa về an ninh mạng và an ninh mạng xã hội. Đây là một trong những loại tội phạm tăng trưởng nhanh nhất trong các loại tội phạm của Việt Nam.

“Như chúng ta thấy trong thời kỳ đại dịch COVID-19, Nhà nước đã tổng kết đại dịch làm thiệt hại tới 500.000 tỉ đồng. Trong cơn bão số 3 Yagi vừa rồi, tỉnh Yên Bái thu nhập cả tỉnh năm 2023 đạt 4.100 tỉ đồng nhưng chỉ 1 tuần bão lũ, sạt lở... đã thiệt hại tới 4.600 tỉ đồng, làm giảm sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc phòng của đất nước”, ông Yêm nêu.

Cần những chương trình nghiên cứu bài bản từ trung ương đến địa phương

PGS-TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh cần phải tăng cường công tác truyền thông để tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp, nơi có thể xuất phát rủi ro lớn, nguy cơ lớn về vấn đề ANPTT.

Theo ông Phi, nêu không có lý luận sắc bén, không có cơ sở khoa học chắc chắn thì không thể nào truyền thông được. Theo đó, phải có những chương trình nghiên cứu bài bản từ trung ương đến địa phương.

Ngoài ra, về quản lý khoa học, công nghệ, ông Phi cũng cho rằng phải đổi mới căn bản tổ chức và cách quản trị. “Ví dụ như tôi đang làm đề tài về an ninh nguồn nước sông của lưu vực sông thì phải mất vài chục tỉ đồng với vài chục phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia và khoảng 10 năm mới ra được bộ công cụ để quản trị một dòng sông. Thế thì Việt Nam cần bao nhiêu nghìn tỉ, mấy chục năm?”, ông Phi băn khoăn.

PGS-TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS-TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội

Ông Phi cũng nhấn mạnh cần đào tạo đội ngũ cán bộ từ trung ương đến địa phương thấm nhuần nghị quyết, quan điểm của Đảng về ANPTT và đặc biệt là phải học kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để có thể tham gia, tham mưu, chủ động thực hiện chiến lược, kế hoạch, phòng ngừa rủi ro, không để rủi ro đến chúng ta mới ứng phó.

GS-TS Nguyễn Xuân Yêm cho rằng hiện nay, vấn đề an ninh phi truyền thống ở Việt Nam đang được triển khai ở nhiều nơi, với mỗi bộ, ngành chịu trách nhiệm một lĩnh vực riêng lẻ. Điều này dẫn đến sự phân tán và thiếu kết nối trong công tác quản lý và ứng phó.

“Trong khoa học, có thuật ngữ "hiệu ứng cánh bướm" để chỉ những tác động nhỏ có thể gây ra những hệ quả lớn nếu không được giải quyết khéo léo. Đối với an ninh phi truyền thống, một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia”, ông Yêm nêu.

Vì vậy, ông Yêm cho rằng cần có một chiến lược tổng thể và đồng bộ để nâng cao năng lực quản lý an ninh phi truyền thống. Điều này bao gồm công tác đào tạo, tập huấn và đẩy mạnh tuyên truyền. Kiến thức về an ninh phi truyền thống cần được phổ cập đến toàn dân, dựa trên phương châm "ba sẵn sàng, bốn tại chỗ" - bài học kinh nghiệm quý báu của cha ông chúng ta, nhấn mạnh rằng "nước xa không cứu được lửa gần".

GS-TS Nguyễn Xuân Yêm cũng cho rằng Việt Nam không thể tự mình giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống mà cần tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong nước. Chỉ khi có sự hợp lực ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, chúng ta mới có thể chủ động ứng phó với các nguy cơ đang ngày càng phức tạp và khó lường.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nang-cao-nang-luc-quan-tri-an-ninh-phi-truyen-thong-trong-ky-nguyen-vuon-minh-226266.html